Ngày 28/11, trong cuộc bỏ phiếu mang tình biểu tượng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 25 diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 28/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về môi trường và khí hậu".
Với 429 phiếu ủng hộ và 255 phiếu chống, Cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kiến nghị về việc gây sức ép để chính phủ các nước thành viên EU và Ủy ban châu Âu (EC) hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuyên bố trên yêu cầu EC đảm bảo rằng tất cả các đề xuất về ngân sách và pháp lý liên quan phải được đáp ứng cho mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
[Thống nhất lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]
Chủ tịch Ủy ban Môi trường EP Pascal Canfin khẳng định: "Với tình trạng khẩn cấp về môi trường và khí hậu, việc giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là hết sức cần thiết".
Trong khi đó, theo Giám đốc Mạng lưới hành động vì khí hậu của châu Âu Wendel Trio, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là quan trọng, nhưng bất hành động nào tương tự cần phải có những hành động khẩn cấp theo sau.
Ông Trio nhấn mạnh: "EP cần thúc đẩy ngay lập tức những hành động mang tính thực tiễn. Ngoài ra, EU cần tăng mục tiêu cắt giảm khí thải lên ít nhất 65%, đồng thời thông qua các chính sách và biện pháp có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay lập tức".
Theo kế hoạch, hội nghị COP 25 sẽ diễn ra từ ngày 2/12 tại Tây Ban Nha và kéo dài trong vòng 12 ngày. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 36/184 nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đưa ra cam kết phù hợp và quyết tâm theo đuổi cam kết đó nhằm đạt được mục tiêu chung kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cụ thể, 28 nước thành viên EU đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 40% lượng khí thải carbon so với mức năm 1990. Hơn 10 nước, trong đó có Australia, Nhật Bản và Brazil, được đánh giá có những nỗ lực vừa đủ để chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, có tới 136 nước (chiếm 75%) vẫn thiếu những cam kết và hành động đủ mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu theo hiệp định. Trong danh sách này có tên các nước phát thải hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ./.