EU áp dụng công cụ mới chống đánh bắt hải sản trái phép

Hệ thống “Catch” sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên EU trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra liên quan tới hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, giúp giảm các nguy cơ gian lận.
EU sẽ tăng cường đấu tranh chống tình trạng đánh bắt hải sản trái phép. Ảnh minh họa. (Nguồn: ec.europa.eu)

Cao ủy châu Âu phụ trách các vấn đề về biển và nghề cá Karmenu Vella mới đây đã giới thiệu tại Brussels công cụ tin học đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với tên gọi “Catch,” công cụ được cho là nhằm đơn giản hóa việc kiểm soát hải sản được đưa vào thị trường EU.

Nhờ vào sáng kiến này, EU sẽ tăng cường đấu tranh chống tình trạng đánh bắt hải sản trái phép.

Hệ thống “Catch” cho phép số hóa sơ đồ chứng thực hiện vẫn đang được thực hiện trên giấy. “Catch” sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên EU trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra liên quan tới hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, giúp giảm các nguy cơ gian lận, thúc đẩy hoạt động thương mại và giảm gánh nặng của các đơn vị thực thi pháp luật và cơ quan hành chính.

Thời gian vừa qua, vấn đề đánh cá trái phép cũng được ASEAN đặc biệt quan tâm vì hành vi này đã dẫn đến các lệnh cấm vận của EU, một thị trường chính của hải sản Đông Nam Á.

[Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững để có chỗ đứng tại châu Âu]

Các nước thành viên ASEAN tuyên bố sẽ tham gia “cuộc chiến chung” chống lại hoạt động đánh cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) vào năm 2016 sau khi nhiều nước trong khu vực nhận “thẻ vàng” từ EU.

Thái Lan, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, hiện đang đứng tuyến đầu trong nỗ lực chống đánh cá trái phép ở khu vực, vừa mới tổ chức một hội nghị ASEAN-EU về chống đánh cá trái phép vào tháng trước.

Hội nghị trên kết luận rằng việc thành lập một lực lượng đặc biệt để các nước thành viên có thể chia sẻ thông tin, điều phối hoạt động chấp pháp và lựa chọn các biện pháp đảm bảo khai thác hải sản bền vững ở khu vực là cần thiết.

EU hiện là thị trường chính của thủy sản Việt Nam từ hàng chục năm qua và có nhiều triển vọng trong tương lai. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2018 đạt 275,8 nghìn tấn với giá trị 1,4 tỷ USD, con số này đưa EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm trên 16,7% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Bên cạnh đó việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do song phương trong thời gian tới đang được kỳ vọng là sẽ có thể giúp gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu thông qua việc cắt giảm thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục