Ngày 6/10, tòa án tối cao EU đã ra quyết định bãi bỏ tính hợp pháp của thỏa thuận truyền tải dữ liệu xuyên Thái Bình Dương mà Facebook đang phải dựa vào, sau những tiết lộ về việc xâm phạm quyền riêng tư trong vụ bê bối Edward Snowden.
“Tòa án Tư pháp tuyên bố rằng Quyết định Safe Harbour về Mỹ của Ủy ban châu Âu đã mất đi hiệu lực,” tòa án tuyên bố trong phán quyết vụ kiện do sinh viên luật người Áo Max Schrems chống lại Facebook.
Tòa án cho biết chính quyền Ireland giờ sẽ phải quyết định xem có nên dừng việc truyền tải dữ liệu từ những người sử dụng Facebook ở châu Âu sang Mỹ hay không “vì lý do quốc gia này không đáp ứng đủ độ an toàn bảo mật đối với thông tin cá nhân.”
Vụ kiện tập trung vào thỏa thuận “Safe Harbour” được ký kết vào năm 2000 giữa Brussels và Washington, cho phép hàng ngàn doanh nghiệp truyền tải dữ liệu với điều kiện pháp luật Mỹ phải cung cấp những chính sách bảo mật tương tự như đối với những người sử dụng tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.
Schrems, một nhà hoạt động vì quyền riêng tư ở Áo, đã đâm đơn kiện cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ireland vì trụ sở của Facebook ở châu Âu được đặt tại nước này.
Schrems cho rằng thỏa thuận Safe Harbour 15 năm tuổi đã trở nên quá yếu ớt để có thể đảm bảo quyền riêng tư của các công dân châu Âu sau những thông tin do Snowden tiết lộ.
“YAY,” Schrems viết trên Twitter của mình sau khi phán quyết được đưa ra./.