EU chi 20 triệu euro để phát triển công nghiệp bền vững

Ủy ban châu Âu vừa công bố "Sáng kiến công nghiệp bền vững, phát thải khí cácbon thấp - Giai đoạn 2" để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Nhà máy điện đốt than Frimmersdorf của công ty năng lượng RWE AG của Đức thải ra lượng lớn khí CO2 trong khi vận hành. (Ảnh chụp ngày 13/2/2006)

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố "Sáng kiến công nghiệp bền vững, phát thải khí cácbon thấp - Giai đoạn 2" (SILC 2) để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và đón đầu các công nghệ cácbon thấp.

Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu và Đổi mới lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) mang tên "Horizon 2020" (Tầm nhìn tới năm 2020), với ngân sách thực hiện là 20 triệu euro (27 triệu USD).

Sáng kiến này nhằm góp phần đạt được các mục tiêu nghiêm ngặt về chống biến đổi khí hậu và năng lượng của EU, cũng như loại bỏ phát thải khí CO2 của nền kinh tế EU trong dài hạn. Đặc biệt, sáng kiến này có vai trò hết sức quan trọng để duy trì sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp EU và giảm thiểu những yếu tố làm biến đổi khí hậu hiện nay.

Sáng kiến SILC 2 sẽ tài trợ cho các dự án phát triển công nghệ phát thải CO2 thấp, với trọng tâm là các ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhằm mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong ngành công nghiệp EU.

Trên thực tế, SILC 2 sẽ hỗ trợ sự phát triển các công nghệ mới và ứng dụng các công nghệ này trong một số nhà máy công nghiệp để sản xuất hàng hóa với lượng khí thải thấp hơn nhiều so với hiện nay.

Trước đó, EU đã đơn phương cam kết thực hiện theo Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990.

Trong thời gian tới, SILC 2 sẽ đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm xử lý khí có cácbon cũng như triển khai lắp đặt các thiết bị công nghệ mũi nhọn cho khu vực công nghiệp tiêu thụ lớn năng lượng như sản xuất sắt thép, đồng, ximăng và chất hóa học tại một số quốc gia thành viên EU.

Song song với quyết định đầu tư cho sự phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, EC cũng đề nghị các thành viên EU tiến hành thay thế các thiết bị trung tâm theo dõi và quản lý sự an toàn của các thiết bị khí đốt và an toàn có liên quan, điều tiết và kiểm soát thiết bị theo quy định áp dụng trực tiếp của EU. Điều này có nghĩa là 28 văn bản pháp luật của các quốc gia thành viên sẽ được thay thế bằng một văn bản pháp luật chung duy nhất của EU.

Hiện tại, các nước thành viên EU vẫn chưa thống nhất mục tiêu tham vọng đến năm 2030, EU sẽ giảm 40% lượng khí thải. EU cam kết sẽ đưa ra giải pháp và mục tiêu thống nhất tới năm 2030 vào tháng Mười năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục