Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với một thời điểm đầy khó khăn và các nước thành viên cần phải gạt sự ích kỷ sang bên để cùng chung sức đối phó với những vấn đề lớn đang thách thức EU, từ di cư cho đến khủng bố.
Đó là nội dung chính trong tuyên bố chung của Hội nghị ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập khối Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU.
Hội nghị được tổ chức ở Rome ngày 9/2 theo sáng kiến của Italy, quy tụ ngoại trưởng các nước Italy, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxemburg, các nước đã ký Hiệp ước Rome tháng 2/1957 để thành lập EU, hướng tới tương lai của EU, với các thiết chế bảo vệ và duy trì, bao gồm hệ thống đồng tiền chung euro, Hiệp ước Schengen về di chuyển tự do trong khối.
Khủng hoảng di cư là một trong những chủ đề quan trọng nhất của Hội nghị, khi EU chưa có một chính sách chung nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội và an ninh khi dòng người đổ vào châu Âu không có xu hướng giảm.
Hội nghị đã bàn luận đến việc cuộc khủng hoảng này không chỉ làm tăng nguy cơ khủng bố và các bất ổn xã hội, mà còn gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ EU, khi các nước Đông và Trung Âu kịch liệt chống đối phân bổ người di cư theo hạn ngạch.
Cuộc khủng hoảng cũng cho thấy sự thiếu vắng một chính sách đối ngoại hợp lý và hiệu quả nhằm ngăn chặn dòng người di cư và tạo lập một vị trí trên bàn cờ chính trị Trung Đông và Bắc Phi.
Liên quan đến quan điểm của Italy trong giải quyết khủng hoảng di cư, cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã tuyên bố nước này ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc yêu cầu Liên minh hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên biển Aegea.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Merkel nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì Ahmet Davutoglu tại Ankara rằng, cần phải có sự can thiệp của NATO nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, trong đó có việc ngăn chặn dòng người di cư và giảm thiểu tai nạn với người di cư trên biển Aegea.
Kể từ đầu năm đến nay, đã có gần 150 người di cư, 1/3 trong đó là trẻ em, thiệt mạng trong các tai nạn trên biển Aegea, khi đang từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.
Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni, người chủ trì Hội nghị, khẳng định rằng, chưa bao giờ sự tồn tại của EU bị thách thức lớn như thế, khi cần nỗ lực để vực dậy nền kinh tế đã chìm trong khủng hoảng suốt bảy năm qua, thuyết phục nước Anh không rời khỏi EU và tìm cách duy trì Hiệp ước Schengen trong nỗi đe dọa khủng bố và dòng người nhập cư đổ vào châu Âu không có chiều hướng giảm.
"Những cách thức quan trọng để tái thiết EU là cần thiết," ông nói, "Và việc bảo vệ các quyền lợi và thiết chế của EU là vô cùng quan trọng."
Ông Gentiloni và các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh việc cần phải vượt qua những mâu thuẫn nội bộ trong vấn đề khủng hoảng di cư, cụ thể là các tranh cãi trong việc có nên tiếp tục duy trì Hiệp ước Schengen hay không.
Nhiều nước EU đã lên tiếng kêu gọi tái thiết lập các trạm kiểm soát ở biên giới các nước trong khối này.
Tuần trước, Hungary và Áo và một số nước vùng Balkan đã kêu gọi lập hàng rào ở biên giới của họ để đối phó với khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị ở Rome cũng đã kêu gọi các nước kiểm soát tốt hơn các đường biên giới ngoại khối để đảm bảo an ninh cho Italy cũng như tiếp tục duy trì Hiệp ước Schengen./.