Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các quốc gia thành viên giảm nhu cầu khí đốt bằng cách khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng ít khí đốt hơn.
Động thái này được đánh giá là một nỗ lực chuẩn bị ứng phó với nguy cơ nguồn cung từ Nga tiếp tục bị cắt giảm.
Kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), sẽ được công bố vào ngày 20/7, đề nghị các quốc gia thành viên đưa những các biện pháp khuyến khích tài chính cho các ngành giảm lượng tiêu thụ khí đốt, sử dụng nhiên liệu chuyển đổi trong công nghiệp và các nhà máy điện, đồng thời triển khai các chiến dịch thông tin để thúc đẩy người tiêu dùng ít sử dụng hệ thống sưởi và làm mát hơn.
Những biện pháp này có xu hướng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ít khí đốt hơn, đổi lại, họ sẽ được hoàn tiền.
Bằng cách hành động ngay từ bây giờ, EU đặt mục tiêu đảm bảo càng nhiều khí đốt được dự trữ càng tốt và vận hành như một "bước đệm" cung cấp cho mùa Đông, khi nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong các hộ gia đình lên đến mức tối đa.
[Nga để ngỏ khả năng gia hạn chuyển khí đốt cho châu Âu qua Ukraine]
Các hộ gia đình là “khách hàng được bảo vệ” theo luật của EU, có nghĩa là họ sẽ là người cuối cùng chịu ảnh hưởng từ chính sách phân bổ khí đốt.
Kế hoạch của EC nhấn mạnh rằng sớm hành động chung ở cấp độ EU trong quá trình lấp đầy kho dự trữ vào thời điểm quan trọng hiện nay sẽ làm giảm nhu cầu vào cuối mùa Đông, đề phòng trường hợp gián đoạn dòng chảy từ Nga.
Lượng khí đốt trong kho dự trữ của EU hiện chỉ ở mức 62%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của khối là lấp đầy 80% công suất vào tháng 11.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/7, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala tiết lộ EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 chống Nga, nhưng sẽ không bao gồm quy định hạn chế nhập khẩu khí đốt vì hiện có rất nhiều quốc gia thành viên EU không kịp đối phố.
Theo Thủ tướng Fiala, EC sẽ công bố gói trừng phạt mới trong những ngày tới và các quốc gia thành viên EU có thể thông qua ngay sau đó.
Ông nói: “Vấn đề khó khăn là ở chỗ đưa năng lượng vào các biện pháp trừng phạt, vì nguyên tắc cần được tuân thủ là các biện pháp trừng phạt phải tác động đến Nga lớn hơn so với những quốc gia áp đặt trừng phạt."
Thủ tướng Fiala nêu rõ không có cơ hội để đưa khí đốt vào gói trừng phạt mới bởi hiện có hàng loạt quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Cộng hòa Séc, hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga. Về tổng thể, Nga cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt của EU tính tới trước thời điểm Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thủ tướng Fiala thừa nhận Séc đang làm mọi cách để giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng “kết quả đó không có được vào mùa Đông này”./.