EU: Không có lựa chọn nào khác ngoài đàm phán với Taliban

Đại diện EU cho biết: “Khủng hoảng Afghanistan chưa kết thúc. Để có cơ hội ảnh hưởng đến các sự kiện tại đây, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài cam kết với Taliban.”
EU: Không có lựa chọn nào khác ngoài đàm phán với Taliban ảnh 1Lực lượng Taliban gác tại sân bay Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 14/9 cho biết EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với các thủ lĩnh mới ở Afghanistan, và EU sẽ tìm cách phối hợp với các nước thành viên để tổ chức một phái bộ ngoại giao tại Kabul.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), ông Borrell cho biết: “Khủng hoảng Afghanistan chưa kết thúc. Để có cơ hội ảnh hưởng đến các sự kiện tại đây, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc cam kết với Taliban.”

Các Ngoại trưởng EU đã đặt điều kiện để tái thiết lập các quan hệ ngoại giao và nhân đạo với Taliban, lực lượng vừa giành quyền kiểm soát Afghanistan từ ngày 15/8 vừa qua. Một trong số các điều kiện là tôn trọng quyền của phụ nữ.

Trước các nghị sỹ, ông Borrell cũng cảnh báo EU nên chuẩn bị để chứng kiến cảnh người Afghanistan tìm cách đến châu Âu nếu Taliban cho phép họ rời đi. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng không tái diễn cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khi xảy ra chiến sự tại Syria.

[LHQ lo ngại chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện]

Ủy ban châu Âu (EC) muốn đảm bảo hỗ trợ từ các chính phủ thành viên và ngân sách chung khoảng 300 triệu euro (355 triệu USD) trong 2 năm tới để giúp tái định cư cho khoảng 30.000 người Afghanistan.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, quyền Ngoại trưởng Taliban, ông  Amir Khan Muttaqi bày tỏ cảm ơn cộng đồng quốc tế đã cam kết hàng tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho Afghanistan.

Phát biểu tại họp báo, ông Muttaqi cho biết Taliban sẽ chi số tiền tài trợ này một cách khôn ngoan và sử dụng để giải quyết đói nghèo, đồng thời cam kết “sẽ phân phát viện  trợ tới những người cần hỗ trợ một cách hoàn toàn minh bạch.”

Lời cảm ơn trên được đưa ra một ngày sau khi Liên hợp quốc thông báo quỹ viện trợ lên tới 1,2 tỷ USD đã được cam kết cho Afghanistan.

Trong cuộc gặp người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cùng ngày, ông Muttaqi kêu gọi thế giới ủng hộ Afghanistan và không khuyến khích người dân Afghanistan di cư và xin tị nạn.

Ngày 13/9, ông Grandi đã tới Kabul nhằm đánh giá nhu cầu nhân đạo và tình hình ở Afghanistan.

Quyền Ngoại trưởng Muttaqi khẳng định Taliban muốn có “mối quan hệ tốt” với các nước, song kêu gọi các nước không nên gây áp lực đối với Kabul bởi “sức ép không có tác dụng và không mang lại lợi ích cho Afghanistan hay các nước khác”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.