EU ký thỏa thuận bổ sung 1,8 tỷ liều vaccine của BioNTech/Pfizer

Ủy ban châu Âu vừa phê chuẩn một hợp đồng với hãng dược BioNTech/Pfizer đảm bảo 900 triệu liều (có thể thêm 900 triệu liều khác) trong năm 2021-2023.
EU ký thỏa thuận bổ sung 1,8 tỷ liều vaccine của BioNTech/Pfizer ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của BioNTech/Pfizer cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech/Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 8/5 thông báo: "EC vừa phê chuẩn một hợp đồng với hãng dược BioNTech/Pfizer đảm bảo 900 triệu liều (có thể thêm 900 triệu liều khác) trong năm 2021-2023."

Bà von der Layen hứa hẹn: "Sẽ tiếp tục có các hợp đồng khác và công nghệ vaccine khác."

Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer là một trong 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được EMA cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm cả vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Janssen.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 ngay khi nhận được bản đề xuất cụ thể.

[Dịch COVID-19: EP thống nhất quan điểm về chứng nhận tiêm vaccine]

Trước đó ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông Michel khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề này ngay khi có được một bản đề xuất cụ thể."

Tuy nhiên, ông Michel cũng thận trọng cho rằng EU đang hoài nghi về ý tưởng "đây là giải pháp đơn giản và nhanh chóng trong ngắn hạn" có thể giúp chấm dứt đại dịch.

Theo ông, giải pháp nhanh nhất để tăng cường phân phối vaccine trên toàn cầu là xuất khẩu và EU khuyến khích "tất cả các bên tạo điều kiện cho xuất khẩu vaccine."

Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở thành phố Porto của Bồ Đào Nha từ ngày 7/5, trong đó các nhà lãnh đạo thảo luận vấn đề trên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng việc tạm thời miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ là "việc khẩn cấp nhằm sản xuất nhiều hơn nữa và tăng tình đoàn kết" giữa các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục