EU lập nhóm chuyên gia đấu tranh với các thông tin thất thiệt

Hiện nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp phổ biến trên mạng Internet.
EU lập nhóm chuyên gia đấu tranh với các thông tin thất thiệt ảnh 1Bà Maryia Gabriel. (Nguồn: Politico Europe)

Một nhóm chuyên gia hàng đầu châu Âu về công nghệ số sẽ được thành lập với mục đích đấu tranh chống thông tin thất thiệt trên các phương tiện truyền thông.

Đây là một trong những kế hoạch đầu tiên được Ủy viên châu Âu phụ trách mảng kỹ thuật số, bà Maryia Gabriel, người vừa nhận trọng trách từ tháng Bảy vừa qua, đưa ra.

Trong vòng 2 hoặc 3 tháng tới, bà Gabriel sẽ soạn thảo một chương trình tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho những quy định mới liên quan.

Dù khẳng định "còn quá sớm" để đề xuất luật hóa vấn đề thông tin thất thiệt, bà Gabriel vẫn nhấn mạnh trách nhiệm của các mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter. Theo bà, phải tăng cường các biện pháp quản lý nội dung đăng tải trên những mạng xã hội có đông người sử dụng này.

Bà Gabriel cho rằng điều quan trọng là phải có một “cơ chế phối hợp rõ ràng," phải xác định "những quy định mà Liên minh châu Âu (EU) có thể thực hiện được" trong cuộc chiến chống tin tức sai lệch.

[Cần bao nhiêu tiền để thao túng các cuộc bầu cử bằng tin tức giả?]

Hiện Bà Gabriel chưa công bố thành phần nhóm chuyên gia cấp cao, song cho hay nhóm sẽ bao gồm đại diện giới nghiên cứu, truyền thông, chính phủ và các tổ chức ở châu Âu.

Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) trong tháng Chín này sẽ đưa ra các biện pháp cưỡng chế rút bỏ những nội dung bất hợp pháp trên mạng xã hội. Hồi đầu năm nay, một nhóm nghị sỹ châu Âu đã đề nghị EC đưa biện pháp này vào quy định chung của toàn EU, nhằm tránh việc áp dụng luật quá mức cần thiết tại một số quốc gia.

Hiện nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp phổ biến trên mạng Internet. Phần Lan và Cộng hòa Séc đã lập các đội đặc nhiệm riêng.

Tại Anh, Quốc hội nước này đã tiến hành điều tra thông tin thất thiệt và tác động tiềm tàng của những thông tin đó. Trong khi đó, nhà chức trách Đức đã cho phép phạt tới 50 triệu euro đối với các mạng xã hội nếu không dỡ bỏ những nội dung mang tính thù địch hoặc bất hợp pháp trong vòng 24 giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục