EU muốn duy trì hợp tác ổn định và xây dựng với Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu rõ quan điểm của EU muốn giảm sự phụ thuộc quá mức, qua đó giảm rủi ro kinh tế, cũng như đa dạng hóa nguồn cung để xử lý các hành vi không công bằng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định mối quan tâm hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) là duy trì hợp tác "ổn định và xây dựng" với Trung Quốc.

Tuyên bố của người đứng đầu Hội đồng châu Âu được đưa ra 1 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản), trong đó hợp tác với Trung Quốc là một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự.

Trong tuyên bố được đưa ra tại Hiroshima, ông Charles Michel nêu rõ quan điểm của EU muốn giảm sự phụ thuộc quá mức, qua đó giảm rủi ro kinh tế, cũng như đa dạng hóa nguồn cung để xử lý các hành vi không công bằng. Ông nhấn mạnh mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc là mối quan tâm chung.

Ông cho rằng với quy mô là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và vai trò lớn trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần có trách nhiệm đặc biệt trên thế giới và tuân thủ các quy định quốc tế.

Ông Michel cũng kêu gọi Trung Quốc phát huy ảnh hưởng để giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

[Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đối thoại và hợp tác với EU]

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19-21/5, quy tụ lãnh đạo của các quốc gia phát triển nhất thế giới gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề gồm thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, xung đột Nga-Ukraine, an ninh kinh tế, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới và số hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục