EU phản đối yêu cầu thay đổi thỏa thuận Brexit của tân Thủ tướng Anh

Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit Michel Barnier khẳng định yêu cầu của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm thay đổi thỏa thuận Brexit là không thể chấp nhận được.
Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khỏi EU. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 25/7, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit (Anh rời khỏi EU), ông Michel Barnier khẳng định yêu cầu của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm thay đổi thỏa thuận Brexit là không thể chấp nhận được.

Trong thư gửi đại sứ các nước thuộc EU, ông Barnier cho biết Thủ tướng Johnson đã tuyên bố rằng nếu muốn đạt được một thỏa thuận thì chỉ bằng cách loại bỏ điều khoản gọi là “kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland" hay còn biết đến là điều khoản "rào chắn." Ông nêu rõ: "Điều này dĩ nhiên không thể chấp nhận được và không phải là nhiệm vụ của Hội đồng châu Âu."

[Tân Thủ tướng Anh chỉ trích các điều khoản trong thỏa thuận Brexit]

Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh, tân Thủ tướng Johnson đặc biệt nêu rõ việc loại bỏ hoàn toàn điều khoản “rào chắn” là mục tiêu chính trong các cuộc đàm phán tương lai về Brexit với EU. Ông khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ phiên bản nào của kế hoạch dự phòng biên giới Ireland mà ông và những người ủng hộ cho rằng sẽ ràng buộc nước Anh với EU cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại dài hạn. Trong khi đó, lập trường kiên quyết của EU lại cho rằng kế hoạch dự phòng này là không thể thiếu nhằm đảm bảo tránh thiết lập một đường biên giới cứng trên đảo Ireland–giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Điều khoản "rào chắn" cho phép duy trì đường biên giới mở với Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất và là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng Anh Theresa May bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh. Bản thân tân Thủ tướng Johnson trước khi nhậm chức cũng luôn khẳng định sẵn sàng theo đuổi một Brexit không thỏa thuận nếu cần thiết và bác bỏ việc chấp nhận một điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi liên quan vấn đề biên giới với Ireland./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục