Ngày 12/3, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng các biện pháp kiểm tra tăng cường trong mùa Hè tới đối với những du khách có biểu hiện đáng ngờ là khủng bố hoặc tay súng Hồi giáo nước ngoài.
Quyết định trên, được đưa ra trong hội nghị các bộ trưởng Nội vụ EU, sẽ có hiệu lực vào tháng Sáu. Quyết định này được áp dụng với toàn bộ khu vực Schengen gồm 26 nước, trong đó có 22 nước thành viên EU.
EU đang tiến hành lập danh mục "các chỉ số nguy cơ," để lựa chọn du khách và những giấy tờ tùy thân bị kiểm tra tăng cường, trong đó mục được chú ý đặc biệt là điểm đến.
Biện pháp tăng cường trên được EU đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các tay súng nước ngoài, chủ yếu là châu Âu, trong hàng ngũ các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Cũng trong lĩnh vực chống khủng bố, các bộ trưởng Nội vụ EU đã chỉ thị thành lập vào tháng Bảy một đơn vị đặc biệt trong lực lượng cảnh sát Europol của EU, có nhiệm vụ phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet để loại bỏ những nội dung ủng hộ khủng bố và cực đoan trên các trang web và mạng xã hội.
Theo con số ước tính, kể từ tháng 10 năm ngoái có khoảng 4.000 người châu Âu đã tham chiến trong hàng ngũ các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Syria và Iraq.
Cùng ngày, tòa án Tây Ban Nha đã ra lệnh tạm giam đối với hai kẻ tình nghi khủng bố, bị bắt ngày 10/3 tại địa phận Ceuta thuộc Tây Ban Nha ở Bắc Phi. Hai đối tượng trên, một trong đó từng lẩn trốn cơ quan pháp luật từ tháng 5/2014, bị cáo buộc là thành viên nhóm âm mưu gây khủng bố ở châu Âu.
Giới chức Tây Ban Nha cho biết, nhóm này nhận lệnh từ một tổ chức cực đoan bạo lực có đầu não ở Syria và Iraq. Ước tính, khoảng 100 người Tây Ban Nha bị nghi ngờ tham gia hàng ngũ thánh chiến tại Iraq và Syria.
Còn tại Kosovo (một tỉnh ly khai thuộc Serbia), ngày 12/3, cơ quan lập pháp khu vực này đã thông qua luật cấm các công dân Kosovo tham chiến, bao gồm cấm tham gia cả quân đội, lực lượng cảnh sát hoặc các tổ chức bán quân sự trong các cuộc xung đột ở nước ngoài. Động thái trên nhằm ngăn chặn thanh niên vùng này gia nhập các nhóm cực đoan tại Iraq và Syria. Những người vi phạm luật có thể chịu mức án lên đến 15 năm tù giam.
Người đứng đầu cơ quan nội vụ Kosovo ước tính có khoảng 300 công dân đang tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, một nửa trong đó đã bị truy tố./.