EU tìm ''khe cửa hẹp'' để tháo gỡ những bất đồng về di cư

Vấn đề người di cư đang nóng trở lại sau vụ Italy và Malta, hai quốc gia tuyến đầu Lục địa Già từ chối cho tàu cứu hộ chở hơn 600 người di cư cập cảng những quốc gia này.
Tàu Aquarius chở người di cư trên Địa Trung Hải. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Vấn đề người di cư, từng gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng tại châu Âu vài năm trước, đang nóng trở lại sau vụ Italy và Malta, hai quốc gia tuyến đầu Lục địa Già từ chối cho tàu cứu hộ chở hơn 600 người di cư cập cảng những quốc gia này.

Những tranh cãi xung quanh vụ việc tiếp tục lớn dần khi Italy cảnh báo nước này sẽ đóng cửa các cảng đối với tàu nước ngoài cứu người di cư trên biển.

Quan điểm của chính phủ mới tại Italy về vấn đề này lại một lần nữa tạo ra thách thức cho mô hình "mái nhà chung" châu Âu, nơi các quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo thành một khối thống nhất cùng gánh vác các sứ mệnh chung, trong đó có vấn đề người di cư. Đây cũng là chủ đề trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Italy Giuseppe Conte tại thủ đô Berlin tối 18/6.

Đến Berlin với tư cách là người đứng đầu chính phủ mới tại Italy, một chính phủ được đánh giá là có quan điểm chống nhập cư, hoài nghi châu Âu, ông Conte tiếp tục tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ từ Rome về việc cải cách các quy định của Hiệp ước Dublin, vốn dồn gánh nặng tị nạn cho các nước mà người di cư nhập cảnh đầu tiên. Chính yêu cầu này là nguồn cơn khiến Italy từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee giải cứu trên Địa Trung Hải.

[Vấn đề người di cư: Đức khẳng định cần một giải pháp ở cấp độ châu Âu]

Quyết định của Italy sau đó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dẫn tới nguy cơ rạn nứt mối quan hệ vốn khá tốt đẹp giữa hai đồng minh lâu năm này.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức tiếp người đồng cấp Italy giữa "trăm mối tơ vò" ngay trong nội bộ Chính phủ Đức, cũng liên quan tới quan điểm đối lập về vấn đề tiếp nhận người di cư. Hiện Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đang bất đồng về chính sách người di cư, tạo nguy cơ không hề nhỏ cho đại liên minh cầm quyền vốn dễ đổ vỡ tại Đức giữa CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Trong khi bà Merkel chủ trương tìm kiếm một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho những người di cư bất hợp pháp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong các ngày 28-29/6 tới, thì ông Seehofer muốn siết chặt kiểm soát biên giới của Đức và từ chối tiếp nhận những người tị nạn bất hợp pháp.

Tàu cứu hộ Aquarius của Tổ chức SOS Mediterranee chở người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải ngày 12/6. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Gác sang một bên những mâu thuẫn nội tại, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Italy, Thủ tướng Angela Merkel đề cao ý nghĩa của đoàn kết và thống nhất trong EU. Khi hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong chưa đầy hai tuần tới, hơn bao giờ hết, Thủ tướng Đức hy vọng có thể nhận được sự đoàn kết từ các đồng minh EU và có một giải pháp châu Âu để giải quyết vấn đề tranh cãi này.

Theo đánh giá của truyền thông Đức, cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel và người đồng cấp Italy đã đạt được những kết quả nhất định trong việc giải quyết vấn đề tị nạn. Điều này đem đến những tín hiệu khả quan cho Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Berlin và Rome hoàn toàn nhất trí biên giới bên ngoài EU cần được đảm bảo tốt hơn và Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới của EU cần phải được củng cố. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Merkel cũng đề nghị Italy cùng đoàn kết và ủng hộ Đức trong việc giải quyết vấn đề tị nạn, với việc hứa hẹn sẽ hỗ trợ Italy trong việc giải quyết những vấn đề với người di cư đổ vào quốc gia này.

Có thể thấy bà Merkel đang nỗ lực tháo ngòi một cuộc khủng hoảng mới bùng phát trở lại liên quan vấn đề người di cư, mà trước mắt là đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu. Đây là nhiệm vụ không dễ bởi trên thực tế các nước EU vẫn chia rẽ về chính sách tị nạn, đặc biệt là vấn đề phân bổ người nhập cư. Bất chấp một quyết định về hạn ngạch tiếp nhận người di cư để "chia lửa" cho các nước tuyến đầu như Hy Lạp và Italy, chủ đề người di cư vẫn gây bất hòa giữa các nước EU với nhau, mà vụ tàu Aquarius chỉ là "giọt nước làm tràn ly."

Trong bối cảnh đó, có thể coi những điểm thống nhất mới giữa lãnh đạo Đức-Italy trong cuộc gặp này phần nào khiến bức tranh đoàn kết của EU bớt phần ảm đạm, nhất là sau khi hai nhà lãnh đạo Pháp-Italy cũng đã đạt được một cách nhìn chung trong cuộc họp tại Paris hôm 15/6. Tại đây, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italy đã nhất trí rằng EU cần thành lập trung tâm đại diện tại các quốc gia là điểm xuất phát của người tị nạn.

Tổng thống Pháp cũng sẽ tới Đức ngày 19/6 để thảo luận chi tiết hơn với Thủ tướng Đức Merkel. Về cơ bản, cả bà Merkel và Tổng thống Pháp Macron đều nhất trí rằng EU phải có biện pháp đối phó với tình trạng người tị nạn một cách mạnh mẽ, đồng thời hy vọng có thể vạch ra một chính sách mà tất cả các nước thành viên đều chấp nhận được, và chính sách này sẽ giúp giảm gánh nặng cho Italy, Hy Lạp và nhiều nước khác vốn là điểm đến ưa thích của người di cư.

Tuy nhiên, khả năng đạt được chính sách như vậy không phải là đơn giản. Việc Thủ tướng Italy, dù hoan nghênh lời kêu gọi về tình đoàn kết của Thủ tướng Merkel, song vẫn nêu rõ yêu cầu cần cải cách Hiệp ước Dublin, theo đó một người đã xin tị nạn tại một quốc gia EU phải ở lại quốc gia đó, cho thấy Rome khó lòng nhượng bộ trong vấn đề này.

Chính phủ Italy từng nhiều lần tuyên bố nước này sẽ không còn là "trại tị nạn của châu Âu" và kêu gọi phân phối bắt buộc người tị nạn tới Italy cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, hình thức trên bị các quốc gia EU như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc từ chối. Các quốc gia này đang áp dụng nhiều biện pháp để tiếp tục chặn biên giới ngoài EU và ngăn chặn sự xâm nhập của người tị nạn hoặc người di cư.

Trên thực tế, trong gần ba năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát ở châu Âu hồi năm 2015, EU đã đàm phán để tìm kiếm một chính sách tị nạn chung, song không mang lại kết quả khả quan.

Liệu những bất đồng sâu sắc vốn đã chia rẽ các thành viên EU ngay từ những ngày đầu cuộc khủng hoảng di cư nổ ra vào năm 2015, có thể được hóa giải hay lại một lần nữa có thêm nút thắt? Câu trả lời có thể sẽ phải đợi tới cuối tháng này khi Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc. Dẫu sao, những nỗ lực mới nhất của các quốc gia đầu tàu EU như Pháp, Đức và Italy đều đang góp phần mở rộng "khe cửa hẹp" đến với một thỏa thuận chung cho toàn khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục