Ngày 5/12, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici cho rằng Italy là quốc gia có thể chế chính trị vững chắc và một nền kinh tế mạnh, sẽ vượt qua được giai đoạn Thủ tướng Matteo Renzi từ chức sau khi ông thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp.
Phát biểu trên kênh truyền hình "France 2" trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels (Bỉ), ông Moscovici đã thể hiện tin tưởng rằng Italy có thể giải quyết được tình hình hiện nay vì Italy là một đất nước vững mạnh với một chính quyền vững chắc.
Theo ông, sẽ có một vài bất ổn chính trị nhưng đất nước Italy cực kỳ ổn định và đây cũng là một nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, ông Moscovici cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại Italy là một cuộc bỏ phiếu chống lại EU.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh nước này quan ngại về việc Italy sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chính phủ sau khi Thủ tướng Renzi từ chức. Thủ tướng Renzi đã làm một việc đúng đắn và cần thiết nhưng cử tri lại không ủng hộ ông Renzi.
Theo ông Steinmeier, đây không phải là một cuộc khủng hoảng quốc gia nhưng là một cuộc khủng hoảng chính phủ và cần phải giải quyết. Ông cho rằng đây không phải là một tín hiệu tích cực đối với châu Âu trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 60% số cử tri Italy đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Renzi đã thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức.
Theo hãng tin ANSA, việc Thủ tướng Renzi tuyên bố từ chức ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp, đã tạo ra cú "sốc" mới tại EU, đồng thời tạo đà cho chủ nghĩa dân túy tiếp tục phát triển.
Sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) và thắng lợi của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến thắng áp đảo của phe nói "Không" với cải cách hiến pháp ở Italy đang tạo ra mối quan ngại về "một hiệu ứng Domino" có thể xảy ra những kết quả bất ngờ đối với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017.
Đồng thời, những bất ổn chính trị trong chính trường cùng những thách thức khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italy có thể làm đảo lộn toàn bộ khu vực châu Âu./.