EU: Tồn tại bất đồng về mức đóng góp của các quốc gia thành viên

Lần này do thời gian eo hẹp nên Ủy ban châu Âu (EC) muốn phá vỡ truyền thống với 2 hội nghị thượng đỉnh, để giải quyết vấn đề phức tạp này chỉ sau một hội nghị.
Chủ tịch EC Charles Michel. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham gia hội nghị tại Brussels của Bỉ, để thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027, với những vấn đề trước mắt như khoảng trống đóng góp lên tới 75 tỷ euro do sự ra đi của Anh và nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến của Thỏa thuận Xanh châu Âu có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ euro.

Theo truyền thống, các lãnh đạo EU luôn cần 2 hội nghị thượng đỉnh để quyết định khung tài chính dài hạn (MFF), sau khi đã tiến hành các cuộc đàm phán khó khăn theo chu kỳ 7 năm/lần.

Hội nghị lần này còn phức tạp hơn bởi sự thiếu hụt trong ngân sách cho giai đoạn tiếp theo khi Anh đã chính thức rời EU.

Tuy nhiên, lần này do thời gian eo hẹp nên Ủy ban châu Âu (EC) muốn phá vỡ truyền thống trên để giải quyết vấn đề phức tạp này chỉ sau một hội nghị.

Để thúc đẩy các cuộc đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất làm cơ sở thảo luận, đó là tổng ngân sách gói gọn trong 1.094,8 tỷ euro cho giai đoạn 7 năm, thấp hơn khoảng 40 tỷ euro so với đề xuất ban đầu của EC.

Đề xuất này cho phép bổ sung ngân sách cho chính sách gắn kết và chính sách nông nghiệp chung nhưng dự kiến tổng ngân sách cho hai lĩnh vực này vẫn ghi nhận mức giảm tổng thể 80 tỷ euro so với hiện tại.

Ngoài ra, đề xuất cũng bao gồm khoản 7,5 tỷ euro cho Quỹ chuyển đổi công bằng do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất.

Quỹ này dành cho các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự chuyển đổi năng lượng, qua đó khuyến khích các nước thành viên còn do dự trong vấn đề này.

[Eurozone theo đuổi hệ thống chính sách tài khóa thân thiện hơn]

Cùng với đó, ông Michel cũng đề xuất giải pháp để tạo nguồn thu mới cho EU, bên cạnh các khoản đóng góp của quốc gia thành viên, như thu thuế nhựa không tái chế và nguồn thu từ thị trường carbon châu Âu.

Dù đã có nhiều cuộc làm việc riêng với các nước thành viên, nhưng ông Charles Michel hiện chưa thể đưa ra lịch trình cũng như thời gian dự kiến đạt được kết quả về khung ngân sách dài hạn.

Hiện cũng còn tồn tại bất đồng về mức đóng góp của các quốc gia thành viên. Một số nước như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch muốn giới hạn ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đức, quốc gia đóng góp lớn nhất, sẵn sàng chấp nhận thêm một chút nhưng 1,07% được đánh giá là quá cao đối với Berlin.

EC đề xuất mức đóng góp 1,1% và Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch ngân sách, đề ra mức 1,3%. Pháp, giống như 15 quốc gia thành viên khác, muốn tận dụng Brexit để chấm dứt tình trạng đóng góp được cho là "thấp" của 5 quốc gia giàu có gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Áo và Thụy Điển.

Một mình Đức hiện phải gánh tới 20% ngân sách châu Âu và khoản đóng góp của họ sẽ tăng lên 25% trong ngân sách dài hạn mới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 19/2 dự đoán các cuộc đàm phán về khung ngân sách dài hạn tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau Brexit sẽ "rất khó khăn và phức tạp."

Bà Merkel đánh giá các mối quan tâm của nhiều nước thành viên chưa được xem xét đầy đủ trong nhiều lĩnh vực và do đó các cuộc đàm phán sẽ không dễ để tìm được sự thống nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu Amélie de Montchalin khẳng định các nước thành viên muốn đi đến một thỏa thuận nhưng không phải là "bằng bất cứ giá nào."

Với việc thiếu đi một thành viên như Anh, EU được cho là sẽ vất vả để tìm ra sự cân bằng giữa các chính sách truyền thống như chương trình gắn kết dành cho các nước kém phát triển nhất và hỗ trợ nông nghiệp, với các ưu tiên mới được đặt ra như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay củng cố khả năng an ninh và quốc phòng để có thể khẳng định được vị thế địa chính trị trong một tương lai đầy biến động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục