Ngày 2/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ tiếp tục tạm dừng áp dụng các quy định hạn chế chi tiêu ngân sách trong Liên minh châu Âu (EU) trong cả năm 2022 để các nước thành viên có thêm thời gian triển khai các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, quá trình phục hồi kinh tế vẫn chưa đồng đều và còn nhiều bất ổn. Vì vậy, các quốc gia vẫn cần duy trì chính sách hỗ trợ kinh tế trong cả năm 2021 và 2022.
EC, cơ quan điều hành của EU, đã tạm dừng áp dụng các quy định hạn chế chi tiêu công với chính phủ các nước thành viên hồi tháng 3/2020 trong bối cảnh nền kinh tế khu vực rơi vào giai đoạn suy giảm sâu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các biện pháp hạn chế hoạt động để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Hiện nay, trong khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ thì kinh tế châu Âu tiếp tục rơi vào giai đoạn suy giảm thứ hai từ đầu năm 2021 và dự kiến sẽ chỉ có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.
[EU có thể khởi động kế hoạch phục hồi sau đại dịch trong tháng Sáu]
Các quy định được nêu trong Hiệp ước Bình ổn và tăng trưởng giới hạn mức thâm hụt ngân sách của các nước thành viên ở mức tối đa 3% GDP và nợ công ở mức 60% GDP.
Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, một số nước thành viên EU vẫn vi phạm quy định về nợ công. Hiện 13 nước thành viên EU đang chi tiêu vượt giới hạn, trong đó có Italy, Tây Ban Nha và Pháp với mức nợ công lên tới hơn 100% GDP.
Hiệp ước chủ yếu đóng vai trò trao quyền hạn cho EC giám sát hoạt động chi tiêu ngân sách của các nước thành viên, phát tín hiệu về những cải cách cần phải thực hiện để phù hợp với các yêu cầu của EU.
Một số nước thành viên cũng cho rằng quy định tài khóa của EU hiện không hiệu quả và đã quá lỗi thời. Vì vậy, 27 quốc gia đã cam kết sẽ cải cách hiệp ước, trong đó một số nước hy vọng sẽ hoàn thành việc cải cách trước khi giai đoạn hoãn áp dụng chấm dứt, tức là có thể đến ngày 1/1/2023./.