Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/2 đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021, song vẫn tin tưởng rằng khu vực này sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ.
Các quan chức EC cho biết tăng trưởng GDP của 19 quốc gia trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) dự kiến sẽ đạt 3,8% trong năm nay và phục hồi muộn hơn so với hy vọng ban đầu. Con số này giảm so với mức dự báo 4,2% cho năm 2021 mà cơ quan này đưa ra vào tháng 11/2020.
Cũng trong thông báo này, EC nâng dự đoán tốc độ tăng trưởng của Eurozone trong năm 2022, từ ước tính 3% đưa ra năm ngoái lên 3,8%. Các quan chức kỳ vọng rằng nền kinh tế châu Âu sẽ đạt mức tương đương trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022, nhanh hơn so với dự đoán trước đó, mặc dù mức độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nước thành viên.
[ECB cảnh báo bất ổn kinh tế toàn cầu do COVID-19 vẫn ở mức cao]
Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni khẳng định những hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch đã quá rõ ràng, song EU cuối cùng vẫn có “ánh sáng cuối đường hầm” nhờ những tín hiệu từ các loại vắcxin ngừa COVID-19.
Dù vậy, các quan chức EC tỏ ra thận trọng khi cho biết mọi dự báo đều là không chắc chắn do chưa rõ diễn biến của đại dịch, nhất là khi sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể trì hoãn kế hoạch chấm dứt các biện pháp hạn chế và phong tỏa.
Các số liệu trên được đưa ra với giả định rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ duy trì nghiêm ngặt đến hết tháng 3/2021 và dần được nới lỏng cho đến khi các nước mở cửa trở lại vào nửa cuối năm. Theo EC, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 và 3,9% vào năm 2022.
Theo giới chức châu Âu cũng cho biết thêm, các dự báo tăng trưởng kinh tế này chưa tính đến những tác động từ kế hoạch phục hồi lớn của khối. Chương trình này sẽ bơm 750 tỷ euro vào nền kinh tế châu Âu thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và khoản vay, dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay.
Các dự báo của EC là một đánh giá quan trọng về nền kinh tế khu vực mà cơ quan điều hành của EU dựa vào đó để giám sát ngân sách và tỷ lệ nợ công của các quốc gia thành viên. EU hiện đã tạm dừng các quy định về tỷ lệ nợ cao và thâm hụt ngân sách, cho phép các nước tự do quản lý chi tiêu công để chống lại tác động của đại dịch đối với nền kinh tế./.