Theo số liệu công bố ngày 29/4 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tăng trưởng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp phi tài chính ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Ba đã khởi sắc, khi nhiều doanh nghiệp cần nguồn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Số liệu được điều chỉnh đối với một số giao dịch tài chính đơn thuần cho thấy, lượng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đã tăng 5,4% trong tháng Ba, gần gấp đôi so với mức tăng 3% của tháng trước. Trong khi đó, tăng trưởng khoản vay của các hộ gia đình chậm lại, từ 3,7% trong tháng Hai xuống còn 3,4% trong tháng Ba. Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tư tăng 5% trong tháng Ba, cao hơn mức tăng 3,7% của tháng Hai.
Trước đó, ngày 28/4, ECB công bố kết quả khảo sát hàng quý đối với các ngân hàng cho thấy, nhu cầu tín dụng của nhiều doanh nghiệp đã tăng vọt. Theo ECB, nhu cầu thanh khoản khẩn cấp của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng tình trạng nhiều lĩnh vực kinh tế bị phong tỏa đã thúc đẩy các hoạt động đi vay. Trong khi đó, nhu cầu vay thế chấp và tín dụng tiêu dùng giảm.
Một số doanh nghiệp lớn tại châu Âu mới đây đã công bố báo cáo tài chính trong Quý I/2020, hầu hết đều cho thấy những tín hiệu không mấy tích cực. Theo đó, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến lợi nhuận và doanh thu của nhiều doanh nghiệp đều sụt giảm.
Tập đoàn hàng không Airbus của Pháp công bố lỗ ròng 481 triệu euro (43 triệu USD) trong Quý 1/2020 do COVID-19, giảm mạnh so với mức lãi 40 triệu euro cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của tập đoàn trong quý này cũng giảm 15,2% xuống còn 10,6 tỷ euro. Theo Airbus, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới mọi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt đối với ngành hàng không thương mại.
Ngân hàng Barclays (Anh) cũng công bố lợi nhuận ròng trong quý đầu năm ở mức 605 triệu bảng Anh (754 triệu USD), giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Barclays, ngân hàng đã bị thiệt hại khoảng 2,1 triệu bảng Anh do tác động của COVID-19.
Hãng bán lẻ quần áo NEXT (Anh) thông báo tổng lượng hàng hóa bán ra trong Quý 1/2020 đã giảm 41%, trong bối cảnh tất cả các cửa hàng phải đóng cửa do các biện pháp giãn cách xã hội và tạm dừng các hoạt động trực tuyến.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng của NEXT trong 13 tuần đầu năm tính đến ngày 25/4 đã sụt giảm 52%, trong khi doanh số bán hàng trực tuyến cũng giảm 32%. NEXT cho biết sự sụt giảm doanh số bán hàng diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự tính của hãng trong tháng 3. Do đó, hãng đã phải tăng lượng tiền mặt thông qua bán tài sản, tạm dừng mua lại cổ phiếu và trả cổ tức./.