Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Động thái cho thấy quyết định từ chối tuân thủ quy định mới vốn yêu cầu các "gã khổng lồ công nghệ" chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông ở Australia.
Trong thông báo, quản lý của Facebook ở Australia và New Zealand - ông William Easton cho biết: "Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức. Điều này buộc chúng tôi đối mặt với lựa chọn khó khăn. Một là cố gắng tuân thủ luật và bỏ qua thực tế về mối quan hệ vừa đề cập, hoặc hai là dừng cho phép chia sẻ các nội dung thông tin trên những dịch vụ của chúng tôi ở Australia. Dù không muốn nhưng chúng tôi đang lựa chọn phương án thứ hai."
Động thái mới nhất của Facebook trái ngược với Google - tập đoàn trước đó thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông của Australia, trong đó có News Corp.
[Google, Facebook sẽ không phải trả phí cho các hãng tin tức Australia?]
Năm ngoái, dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook và các hãng truyền thông báo chí Australia. Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canberra sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lưa chọn.
Bộ quy tắc thương lượng truyền thông đã được Hạ viện Australia thông qua vào ngày 16/2 và nhiều khả năng sẽ được ban hành thành luật vào tuần tới.
Phản ứng trước động thái, Mỹ kêu gọi chính phủ Australia hủy bỏ dự luật trên. Trong thông báo mới nhất, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã kêu gọi Australia nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện.
Thông báo nhấn mạnh, Mỹ lo ngại những nỗ lực cạnh tranh vị thế giữa các công ty công nghệ được luật pháp Australia thông qua, có thể gây thiệt hại cho 2 tập đoàn của Mỹ, dẫn đến những kết quả tiêu cực./.