Facebook và các mạng xã hội vất vả gỡ một video sai lệch về COVID-19

Các mạng xã hội đang vất vả loại bỏ hoặc ngăn chặn sự phát tán một video thuyết âm mưu có chứa các tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm hoặc chưa được kiểm chứng về COVID-19.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Các mạng xã hội đang vất vả loại bỏ hoặc ngăn chặn sự phát tán một video thuyết âm mưu có chứa các tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm hoặc chưa được kiểm chứng về COVID-19.

Đoạn phim ngắn phim ngắn có tiêu đề "Plandemic Movie" dài khoảng 26 phút được cho là trích từ một bộ phim tài liệu lớn hơn sẽ được phát hành vào mùa Hè này chứa nhiều tuyên bố sai lạc về nguồn gốc của virus cũng như cách thức lây lan của nó.

Đoạn video này cố gắng lập luận rằng đại dịch COVID-19 đã được tạo ra để các công ty dược kiếm lợi nhuận từ vắcxin. Video còn chứa các thông điệp lệch lạc khác như cho rằng việc mọi người ở nguyên trong nhà sê gây hại cho hệ thống miễn dịch và mặt nạ/khẩu trang có thể làm cho người bệnh nặng hơn.

Sau khi xuất hiện trên mạng vào giữa tuần này, đoạn video đã được xem và chia sẻ rộng rãi tại các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook, YouTube, Twitter và Vimeo.

[Chống "đại dịch thông tin": Quyết liệt ngăn chặn tin giả]

Trên Facebook, đoạn video được chia sẻ bởi một kẻ tự xưng là thành viên nhóm làm phim, đã nhận được hơn 1,7 triệu lượt xem vào ngày 7/5 và được chia sẻ hơn 140.000 lần.

Trong khi đó, theo MIT Technology Review, một trong những tài khoản chia sẻ đoạn video trên YouTube đã nhận được hơn 1 triệu lượt xem trước khi nó bị xóa.

Sự xuất hiện của đoạn video này nhấn mạnh mức độ nguy hại của thông tin sai lệch và là ví dụ rõ ràng cho thấy cuộc chiến với "đại dịch thông tin" cũng nghiêm trọng không kém việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo công nghệ từ Google, Facebook, Twitter và các nền tảng công nghệ khác để thảo luận về những gì họ có thể làm để ngăn chặn sự lây lan của thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục