FARC đặt điều kiện tham gia Quốc hội Colombia để ký hòa ước

Ngày 8/11, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã đặt điều kiện được quyền “bổ nhiệm trực tiếp” đại biểu của tổ chức này vào Quốc hội trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
FARC đặt điều kiện tham gia Quốc hội Colombia để ký hòa ước ảnh 1Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (thứ 3, phải) trong cuộc họp với Đại diện Tiểu ban chấm dứt xung đột của Liên hợp quốc Jean Arnault (thứ 3, trái) về tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Colombia và FARC tại Bogota, ngày 29/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 8/11, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã đặt điều kiện được quyền “bổ nhiệm trực tiếp” đại biểu của tổ chức này vào Quốc hội trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, cũng như tại các bang và hội đồng cấp huyện, khi hòa bình được tái lập.

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn thông cáo của FARC nhấn mạnh để đảm bảo được quyền tham gia các hoạt động chính trị của Colombia sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, tổ chức này cần một “giải pháp đáng tin, đảm bảo quyền của các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang” đã kéo dài hơn 50 năm qua.

Đại diện FARC Judith Simanca, biệt hiệu Victoria Sandino, tuyên bố đây là yêu cầu cấp thiết trong quá trình bình thường hóa đời sống của các thành viên lực lượng vũ trang này và cần phải thực thi “công lý đặc biệt” đối với các nạn nhân chiến tranh, bao gồm các tù nhân chính trị, tù nhân chiến tranh đã bị xét xử hay đang trong quá trình xét xử.

FARC cũng đòi hỏi sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, không tay súng nào của tổ chức này bị dẫn độ.

Hiện Chính phủ Colombia và FARC đang tiến hành đàm phán thỏa thuận cuối cùng liên quan tới việc giải giáp vũ khí, bồi thường cho các nạn nhân và xét xử những người có trách nhiệm của tổ chức vũ trang lớn nhất nước Nam Mỹ này sau chiến tranh.

Chính phủ Colombia cho rằng các thành viên FARC liên quan trong cuộc xung đột phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song việc xét xử có thể sẽ linh hoạt hơn.

Liên quan tới việc dẫn độ, Chính phủ Mỹ đã từng yêu cầu dẫn độ nhiều thành viên của FARC do những cáo buộc của Nhà Trắng về việc những người này có liên quan tới các hành động tội phạm, đặc biệt là liên quan tới buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 10 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Bogota Kevin Whitaker khẳng định Nhà Trắng sẽ tôn trọng quyết định không dẫn độ thành viên của FARC về Mỹ để xét xử nếu Chính phủ Colombia và FARC thống nhất như vậy trong thỏa thuận hòa bình.

Từ năm 2002 tới nay, 2.000 thành viên FARC đã bị dẫn độ sang Mỹ.

Được khởi động từ năm 2012, tiến trình hòa đàm đã trải qua hơn 40 vòng đàm phán tại thủ đô La Habana của Cuba.

Theo giới quan sát, tiến trình này đang bước vào giai đoạn nước rút, mở ra hy vọng kết thúc cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người và ảnh hưởng tới hàng triệu người khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.