Fed dự báo nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái nhẹ từ cuối năm 2023

Các chuyên gia của Fed cho rằng các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm 2023, sau đó nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi với tốc độ vừa phải.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 3/5/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay. Đây là nội dung được các chuyên gia kinh tế của Fed đưa ra khi chuẩn bị cho cuộc họp về chính sách lãi suất diễn ra vào đầu tháng này.

Theo tài liệu này, các chuyên gia của Fed cho rằng các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, sau đó nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi với tốc độ vừa phải.

Fed dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ giảm tốc trong 2 quý tới, sau đó GDP sẽ bắt đầu giảm nhẹ vào quý 4/2023 và quý 1/2024.

Trong cuộc họp, tất cả 11 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đều ủng hộ việc nâng lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 5 -5,25%.

Đây là lần thứ 10 liên tiếp FOMC ủng hộ việc tăng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát cao, vốn đã vượt quá mục tiêu dài hạn là 2%.

Theo biên bản cuộc họp, các thành viên vẫn bất đồng về những việc cần làm tiếp theo của Fed.

Một số ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục củng cố các chính sách tại các cuộc họp sắp tới nhằm đẩy nhanh tiến trình kéo lạm phát trở về mức 2%.

Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại thì việc củng cố các chính sách có thể không cần thiết.

Các quan điểm được nêu ra trong cuộc họp cũng từng được một số thành viên FOMC đề cập công khai trước đó.

Một số thành viên, trong đó có Chủ tịch Fed Jerome Powell, cho rằng lãi suất đã tăng đủ mức để “hạ nhiệt” lạm phát.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, một số thành viên khác, như Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, mong muốn ngân hàng trung ương Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới.

Theo dữ liệu từ CME Group, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 14/6 tới.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng thể chế này sẽ vẫn tăng lãi suất.

[Chủ tịch Fed không chắc chắn về khả năng tạm dừng tăng lãi suất]

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát được tổ chức S&P Global công bố ngày 23/5, hoạt động kinh doanh ở Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua, nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lấy lại động lực vào đầu quý 2/2023, bất chấp nguy cơ suy thoái gia tăng.

PMI (chỉ số quản lý thu mua) tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.

Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số PMI của nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ở mức trên mức 50, cho thấy chiều hướng tăng trưởng trong khu vực tư nhân.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Hollywood, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dữ liệu khảo sát được S&P Global thu thập từ ngày 12-22/5 cũng cho thấy doanh số bán lẻ không bao gồm xe có động cơ, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống phục hồi mạnh mẽ.

PMI ngành dịch vụ cũng tăng lên mức 55,1, cao nhất trong vòng 13 tháng, từ mức 53,6 của tháng 4.

Theo ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, trong khi giá sản xuất tăng cao hơn thời kỳ đại dịch COVID-19 do nhu cầu mạnh và nguồn cung suy giảm, thì giờ đây đến lượt ngành dịch vụ tăng giá trong bối cảnh nhu cầu gia tăng trở lại và khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng hiện ở mức thấp.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đang dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 do chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980 của Fed nhằm kiềm chế lạm phát.

Tình trạng thắt chặt các điều kiện tín dụng và bế tắc trong tiến trình đàm phán nâng trần nợ công của Chính phủ Mỹ cũng đang làm tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế số một thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục