Mức lạm phát cao hiện nay không có khả năng trở thành mối đe dọa dai dẳng đối với nền kinh tế Mỹ và những lời kêu gọi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động sớm có thể cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles đưa ra ý kiến trên trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings. Cũng trong phát biểu này, ông Quarles cho biết ông lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, chủ yếu nhờ khoản tiết kiệm tiêu dùng giúp thúc đẩy chi tiêu.
Ông Quarles cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ "vẫn kiên nhẫn" trước khi dừng các chính sách kích thích, để đảm bảo thị trường việc làm phục hồi và trở lại mức mà ngân hàng trung ương coi là đủ việc làm.
Fed đã cam kết giữ lãi suất chuẩn ở mức 0 và tiếp tục chương trình mua trái phiếu khổng lồ cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống dưới mức 6,1% hiện nay và lạm phát duy trì ở ngưỡng trên 2,0%.
[Thâm hụt ngân sách của Mỹ lên mức cao kỷ lục 1.900 tỷ USD]
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tỏ ra lo ngại rằng ngân hàng trung ương của Mỹ đang phản ứng chậm khi chỉ số lạm phát quan trọng lên tới 2,3% trong tháng Ba vừa qua. Ông Quarles nhấn mạnh quan điểm của Fed là hầu hết các yếu tố khiến giá tăng chỉ là tạm thời.
Theo Phó Chủ tịch Fed, lạm phát dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong vài tháng tới rồi trở lại gần 2% vào một thời điểm nào đó trong năm 2022. Do đó, cần kiên nhẫn khi đối mặt với những cú sốc nhất thời về giá cả và tiền lương.
Phó Chủ tịch Fed nhấn mạnh "sẽ không phải là quyết định sáng suốt” nếu Fed có những hành động có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế khi cố gắng tránh lạm phát.
Trong bài phát biểu, ông Quarles cũng lưu ý nếu tốc độ tăng trưởng tiếp tục như dự kiến, sẽ sớm đến lúc các quan chức Fed bắt đầu thảo luận về kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản.
Ông cho rằng kể cả khi Fed bắt đầu tăng lãi suất chính, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này sẽ vẫn mang tính thích ứng cao trong một thời gian./.