Kinh tế Mỹ: Doanh số bán lẻ ''hạ nhiệt'' trong tháng Tư

Tổng lượng bán lẻ tại Mỹ duy trì ổn định quanh ngưỡng dưới 620 tỷ USD, gần như đi ngang so với tháng trước và tăng tới 51% so với cùng kỳ năm 2020 - giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ tại Mỹ.
Kinh tế Mỹ: Doanh số bán lẻ ''hạ nhiệt'' trong tháng Tư ảnh 1Người Mỹ chi tiêu ít hơn trong tháng 4. (Nguồn: Getty)

Sau khi đẩy mạnh việc mua sắm trong tháng Ba, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu chậm lại trong tháng 4/2021 với tổng doanh số bán lẻ không đổi theo dữ liệu do chính phủ nước này công bố hôm 14/5.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tổng lượng bán lẻ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ổn định quanh ngưỡng dưới 620 tỷ USD, gần như đi ngang so với tháng trước và tăng tới 51% so với cùng kỳ năm 2020 – giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ tại Mỹ.

Theo giới phân tích, tổng doanh số bán lẻ tháng Tư không biến động nhiều so với tháng Ba là do sự sụt giảm trong chi tiêu cho quần áo, đồ thể thao, đồ nội thất, xăng dầu và thậm chí thị trường thương mại điện tử được bù đắp bởi việc tăng chi cho ôtô, đồ điện tử, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, tổng lượng bán lẻ của Mỹ trong tháng Ba tăng 10,7% so với tháng Hai. Con số của tháng Tư cũng kém lạc quan hơn so với dự báo về một mức tăng khiêm tốn do giới phân tích đưa ra.

Theo báo cáo, doanh số bán xe gắn máy và phụ tùng ôtô chỉ tăng 2,9% trong tháng Tư. Nếu loại trừ lĩnh vực ô tô, tổng doanh số bán lẻ thực tế của Mỹ ước giảm 0,8%.

Doanh số bán các sản phẩm làm vườn và nâng cấp nội thất là một trong những danh mục giữ phong độ ổn định trong suốt thời gian phong tỏa. Nhưng doanh số của nhóm hàng này đã giảm 0,1% vào tháng trước.

[Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch]

Báo cáo cũng cho hay với việc ngày càng nhiều người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các cơ quan chức năng nới lỏng các yêu cầu phòng dịch, doanh số bán tại các nhà hàng và quán bar đã tăng 3% vào cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng trực tuyến giảm 0,3% so với tháng trước - một mức giảm hiếm thấy – dù vẫn tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã đi xuống trong tháng Năm giữa bối cảnh lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng.

Dù chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm hơn sáu điểm xuống còn 82,8, cuộc khảo sát cho thấy chi tiêu tiêu dùng sẽ vẫn tăng lên dù giá cả cao hơn.

Điều này do nhu cầu của người dân bị dồn nén trong giai đoạn phong tỏa chống dịch, cùng lượng tiền tiết kiệm cao kỷ lục.

Những lo ngại về lạm phát tăng đột biến đã trở nên mạnh mẽ hơn vì những số liệu gần đây, bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng tới 4,2% so với cùng kỳ 2020 cho thấy giá cả đã tăng cao khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.

Những lời đảm bảo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng vấn đề này chỉ mang tính tạm thời có vẻ không thể làm thị trường bớt lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.