FIFA đấu tranh chống vi phạm bản quyền truyền hình ở Trung Đông

Liên đoàn bóng đá thế giới đang chuẩn bị các hoạt động pháp lý tại Saudi Arabia để chống lại việc phát và chiếu bất hợp pháp các trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup ở Saudi Arabia.
Ảnh minh họa. (Nguồn:Euro Weekly News)

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cho biết đang chuẩn bị các hoạt động pháp lý tại Saudi Arabia để chống lại việc phát và chiếu bất hợp pháp các trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup ở quốc gia này.

Trong một tuyên bố ngày 12/7, cơ quan quản lý cao nhất của bóng đá thế giới kêu gọi Saudi Arabia và một số quốc gia khác chấm dứt tình trạng phát sóng bất hợp pháp các trận đấu.

Thông báo của FIFA được đưa ra sau khi hệ thống truyền hình BeIn Sport của Qatar đề nghị FIFA hỗ trợ vì các trận đấu World Cup do hệ thống này độc quyền phân phối tại Trung Đông đã bị kênh truyền hình beoutQ của Saudi Arabia xâm phạm bản quyền.

[Bản quyền World Cup 2018: ‘Hé lộ’ sự tham gia của các tập đoàn lớn]

FIFA cho biết cơ quan này đã phát hiện kênh truyền hình beoutQ đã sử dụng và phát sóng trái phép các trận đấu thuộc World Cup 2018.

Theo đó, FIFA đã tham vấn các hành động pháp lý tại Saudi Arabia và làm việc với chủ sở hữu bản quyền thể thao bị ảnh hưởng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. FIFA kêu gọi giới chức Saudi Arabia và các quốc gia khác - nơi có các hoạt động vi phạm bản quyền kể trên - hỗ trợ cơ quan này đấu tranh có hiệu quả với tình trạng vi phạm bản quyền.

Hồi tháng trước, Saudi Arabia cho biết đã tịch thu hơn 12.000 thiết bị thu phát truyền hình lậu. Hệ thống kênh truyền hình beIn có trụ sở tại Doha - sở hữu quyền phát sóng tất cả 64 trận đấu thuộc World Cup lần này trên toàn bộ khu vực Trung Đông và Bắc Phi (bao gồm 24 quốc gia).

Tuy nhiên BeIn và Saudi Arabia đã không đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ bản quyền phát các trận đấu trên lãnh thổ quốc gia này.

BeIn cho biết kể từ tháng 10/2017, beoutQ đã sử dụng tín hiệu từ nhà cung cấp vệ tinh Arabsat - có trụ sở tại Riyadh - để truyền tải bất hợp pháp các chương trình phát sóng của beIn. Hiện tượng trên không chỉ xuất hiện ở Saudi Arabia mà còn cả ở Maroc, Jordan và nhiều nước khác.

Vấn đề vi phạm bản quyền xuất hiện đúng vào thời điểm nhạy cảm về chính trị ở vùng Vịnh, với việc Qatar bị các quốc gia láng giềng tẩy chay, cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế từ hơn 13 tháng qua.

Qatar đã bị cô lập kể từ tháng 6/2017 sau khi Saudi Arabia và các đồng minh cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và có các quan hệ gần gũi “trên mức cần thiết” với đối thủ chính của Riyadh tại khu vực là Iran. Qatar đã bác bỏ các cáo buộc kể trên.

BeIn đã kêu gọi FIFA can thiệp vì hệ thống kênh truyền hình này không thể đảm bảo đại diện hợp pháp tại Saudi Arabia do bị tẩy chay.

Qatar là nước chủ nhà của World Cup 2022 và hãng hàng không Qatar Airways là một trong những nhà tài trợ chính của giải đấu. Thời gian gần đây đã xuất hiện những đồn đại xung quanh mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Hai nhân vật này đã cùng dự khán trận mở màn World Cup 2018, trong đó đội bóng vùng Vịnh thất thủ 0-5 trước đội chủ nhà Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục