Thương vụ bản quyền phát sóng World Cup 2018: Đằng sau phút 89 gay cấn

Nếu như không có phép màu, không có ông Bụt, bà Tiên nào hiện ra thì thương vụ bản quyền phát sóng World Cup 2018 của VTV sẽ ra sao? Khán giả Việt Nam sẽ bị "mất" giải đấu được cả hành tinh mong đợi?
Thương vụ bản quyền phát sóng World Cup 2018: Đằng sau phút 89 gay cấn ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau rất nhiều ồn ào, rốt cuộc “phút thứ 89,” bản quyền phát sóng giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh – World Cup 2018 cũng đã được công bố chính thức có ở Việt Nam trước đúng 5 ngày giải đấu khởi tranh.

Và VTV đã thực sự là “ngôi sao” của tháng Sáu với việc đưa đến cho công chúng hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ngoài xác nhận “doanh nghiệp tin đồn”  là  Tập đoàn Vingroup đã chìa tay nghĩa hiệp vào những phút cuối cam go nhất bằng chung chi 5 triệu USD (tương đương 114 tỷ đồng) thì thương vụ bản quyền của VTV còn có thêm sự góp mặt của Tập đoàn  Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

1. Câu chuyện bản quyền World Cup 2018 đã khiến những người hâm mộ môn thể thao vua “đau tim” suốt một quãng thời gian dài mà đỉnh điểm là vào cái ngày đại diện VTV tuyên bố trên kênh phát ngôn chính thức của mình: "không mua bằng mọi giá!"

Cái câu phát ngôn "xanh rờn" đó như búa nện choáng váng người hâm mộ, ở vào cái thời điểm mà trong 220 quốc gia/lãnh thổ thành viên của FIFA, thì bản quyền đã được 219 nơi sở hữu.

Chỉ một câu nói ngắn gọn 5 chữ, đại diện VTV đã đặt toàn bộ hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam, hàng triệu khán giả của VTV và của các kênh truyền hình trên cả nước trước một nguy cơ hiển hiện rằng dải đất hình chữ S thân yêu của họ sẽ là thành ốc đảo duy nhất "không liên quan" đến thứ gọi là World Cup 2018.

Và tất cả họ, những người dân Việt Nam sẽ thuộc vào số ít dân số trên quả địa cầu có tới 7 tỷ người này không được xem các cuộc tranh tài của ngày hội tinh hoa bóng đá thế giới 4 năm mới được tổ chức một lần.

[World Cup 2018: VTV sẽ phát trực tiếp trên các kênh nào?]

Buồn hơn cả, là lý do được đưa ra cho cái viễn cảnh tồi tệ đó là giá cả mà theo VTV – đơn vị duy nhất đứng ra mua bản quyền phát sóng World Cup: “độ chênh lệch của việc mặc cả đang là ‘khá lớn!”

Ngày 5/6 (9 ngày trước World Cup 2018 khai mạc) VTV đã công khai thừa nhận là “ họ chưa có bản quyền,” và “giá cả từ phía Infront Sports & Media  (ISM) - đơn vị được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á đưa ra là quá cao so với khả năng tài chính của VTV.”

VTV cũng dẫn các nguồn tin cho thấy con số tiền bản quyền mà các quốc gia khác phải chi trả trung bình là từ 20 triệu USD  trở lên ( khoảng 450 tỷ đồng), thậm chí như FOX, đã phải chi tới 400 triệu USD (khoảng 9100 tỷ đồng) cho bản quyền phát sóng World Cup 2018 và World Cup 2020, cao gấp 8 lần số tiền họ chi khi World Cup 2014.

Chưa hết, VTV cũng ngày 5/6 còn cho biết, vào ngày  29/5, họ đã đưa ra mức giá chốt cho bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam nhưng đối tác đã không phản hồi và vẫn giữ nguyên quan điểm về giá.

Cái quan điểm giá của ISM và giá chốt từ VTV là như thế nào không được VTV tiết lộ, nhưng thông điệp mà VTV gửi đến khán giả là quá rõ ràng khiến họ cảm thấy tuyệt vọng.

Nếu chẳng có phép màu, một “ông Bụt” “bà Tiên” nào đó xuất hiện thì chắc chắn người hâm mộ Việt Nam - những khán giả của đài truyền hình Việt Nam sẽ có cơ hội kiêu hãnh ngẩng đầu mà tuyên bố: Chúng tôi là vùng đất duy nhất trên trái đất này, quay lưng với môn thể thao vua.

Còn những ai quá mê bóng đá thì có thể chọn cách du lịch sang các nước láng giềng ở ngay vùng Đông Dương hoặc Đông Nam Á- nơi có bản quyền mà xem ké.

2. Nhưng may mắn cho người hâm mộ Việt Nam, đến phút nguy nan bỗng nhiên xuất hiện cả Tiên lẫn Bụt.

Trước ngày 9/6, hầu hết đều cho rằng Vingroup là cứu cánh duy nhất của VTV trong thương vụ bản quyền để họ có đủ tiền trả cho ISM. Cần phải nói thêm rằng, ngay sau thông điệp “không mua bằng mọi giá” của VTV phát ra, đã có tương đối các đại gia ngỏ ý cùng VTV chia sẻ gánh nặng. Điển hình là Tập đoàn FLC, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV)…nhưng  đều đã “chậm một bước” so với Vingroup.

Nên tất cả dường như quá ngỡ ngàng khi cái tên Viettel, không biết từ lúc nào, bằng cách nào thật tài tình đã lọt vào thương vụ đầy bí ẩn này.

Chỉ đến công bố vào gần 9 giờ tối ngày 10 của VTV về “bản quyền truyền thông và kế hoạch phát sóng World Cup 2018” trong đó có một câu ngắn nói về sự hỗ trợ chung tay của các doanh nghiệp thì một phần những bí ẩn đã được hé mở đến công chúng: “Ngay từ những ngày đầu tiên đàm phán mua bản quyền FIFA World Cup 2018, VTV đã nhận được sự đồng hành đóng góp quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel. Viettel đã cam kết đầu tư kinh phí cùng VTV để mua bản quyền FIFA World Cup 2018.”

Thương vụ bản quyền phát sóng World Cup 2018: Đằng sau phút 89 gay cấn ảnh 2Thông tin được đăng tải tại VTV.vn về sự có mặt từ đầu của Viettel (Ảnh: chụp màn hình)

3. Trước ngày sở hữu được bản quyền, đại diện của VTV đã ra vô số các thông tin xung quanh việc giá bản quyền tăng phi mã. Trong những dẫn chứng của mình, VTV kể về chuyện tới 9 doanh nghiệp Thái Lan lớn chung chi 1,4 tỷ baht (tương đương 43,6 triệu USD) để phát các trận đấu World Cup 2018 trên 2 kênh Amarin TV và True cho toàn bộ người dân chùa Vàng xem; về ba nhà đài lớn Singtel, StarHub, Mediacorp của Singapore đã bỏ ra 25 triệu SGD (18,6 triệu USD) đưa World Cup đến cho người dân đảo quốc sư tử

Rõ ràng, VTV biết các nước, các vùng lãnh thổ đều đã chọn phương thức hợp tác giữa các nhà đài, các doanh nghiệp cùng hợp lực để đem lại niềm vui cho nhân dân nước mình. Ở khía cạnh khác, liên quan đến kinh doanh, các doanh nghiệp/đài nước ngoài dù tiềm lực kinh tế mạnh hơn VTV và các doanh nghiệp Việt Nam nhưng ở thương vụ kinh tế này, họ cũng không  “độc quyền” mà cùng nhau chia sẻ lợi nhuận (kèm theo đó là những rủi ro).

Con đường để đi đến sở hữu bản quyền của VTV cho đến phút cuối cũng không ngoài cách đó. Họ đã có Viettel bên cạnh từ đầu. Mùa bóng đá trước đó, họ đã từng chia sẻ quyền với HTV. Và đến lần này, khi VTV vừa hé môi  đã có một danh sách các doanh nghiệp ngỏ ý tham gia san sẻ cùng họ, dĩ nhiên là cả công ích lẫn kinh doanh.

Cho thấy  tiền/giá cả không phải là rào cản duy nhất và bất khả thi để đến nông nỗi suýt nữa người hâm mộ Việt Nam trở thành dị biệt, phải đứng ngoài ngày hội bóng đá được cả hành tinh mong đợi.

Sự cò kè ngã giá của VTV từ giữa năm 2016 ( như  họ tuyên bố) cho đến lúc trở thành đơn vị cuối cùng còn sót lại trong số các thành viên của FIFA không có bản quyền kéo dài 2 năm. Một quãng thời gian quá đủ, thậm chí là dư thừa để VTV có một kế hoạch chu đáo, dài hơi và triển khai kế hoạch đó.

Hai năm dư sức để VTV công khai tìm đối tác, liên kết với các nhà tài trợ, các đơn vị có thể chia sẻ quyền phát sóng, các nhà doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá sản phẩm dịch vụ trên kênh vào giờ vàng… Thậm chí, học như các nước, mua bản quyền trọn gói cả World Cup 2018 và 2022 để được thêm ưu đãi và không bị ép giá vào 4 năm sau…

Nhưng VTV không làm vậy. Họ chọn phương án lặng lẽ một mình mua đào đêm 30. Tệ hơn, người đại diện của VTV với sự thiếu nhạy bén và uyển chuyển đã đẩy cuộc đàm phán vào chỗ bế tắc kiểu “hai con dê qua cầu” với cách mặc cả: “tôi chỉ mua giá đó.”

Đến đây, thì người hâm mộ Việt Nam không khỏi “lạnh người” khi nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu Vingroup làm ngơ? Nếu không có những cuộc đàm phán đằng sau giữa ba bên VTV,Viettel, Vingroup được biết là khá căng thẳng. Hoặc, giả như, đối tác vì một lý do gì đó không bán bản quyền cho chúng ta, hay họ biết ta ở đường cùng, sẽ ép giá thêm nữa…

Với vị thế là đài truyền hình quốc gia phủ sóng toàn quốc, nắm giữ đầu ra của “món hàng” nên đương nhiên, quyền quyết định mua ở trong tay VTV, họ biết rõ điều này. Nhưng bản quyền World Cup lại mang một đặc thù riêng, không  thể tách bạch giữa 2 yếu tố kinh doanh và công ích và nó liên quan đến hàng triệu người, họ là người hâm mộ bóng đá, dĩ nhiên vậy, nhưng đừng quên, họ cũng chính là khách hàng, là Thượng đế của nhà đài.

Để lỡ một thương vụ kinh doanh, hoặc là để cứu một thương vụ kinh doanh thua lỗ là câu chuyện của một doanh nghiệp, một đơn vị mà người đại diện họ cử đi sẽ chịu trách nhiệm với doanh nghiệp đó. Nhưng để lỡ bản quyền World Cup không đến được với hàng triệu người hâm mộ mong ngóng, đến với các thượng đế của mình lại là một câu chuyện khác.

Nói lại câu chuyện này vào lúc ai nấy đều hân hoan chuẩn bị chờ đón một mùa World Cup tưng bừng với biết bao chương trình mà VTV cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên....hứa hẹn đem đến cho khán giả chỉ để mong rằng, câu chuyện bị động lần này sẽ không còn tái hiện vào những mùa giải sau.

Bởi, với bước tiến của công nghệ, với sự phát triển thương mại toàn cầu nhiều cạnh tranh thì thành công  chỉ đến với những tổ chức, doanh nghiệp có những bước đi phù hợp, chiến lược tầm nhìn dài hơi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

[Infographics] Những sự kiện bóng đá lớn sau World Cup 2018

Những sự kiện bóng đá lớn sau World Cup 2018

Sau khi World Cup 2018 khép lại, thế giới bóng đá sẽ lại chuẩn bị guồng quay mới với các giải đấu hàng đầu, bao gồm World Cup bóng đá nữ 2019, EURO 2020 và World Cup 2022.
[Infographics] Nhìn lại lịch sử của chiếc Cup vàng World Cup

Nhìn lại lịch sử của chiếc Cup vàng World Cup

Chiếc Cúp vàng World Cup hiện tại được sử dụng từ năm 1974, do Silvio Gazzaniga thiết kế, không được trao vĩnh viễn cho đội bóng nào mà thuộc sở hữu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).