Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA cho biết sẽ mở cuộc điều tra để cân nhắc khả năng cấm vận bóng đá liệu sau khi nhận được khiếu nại từ Liên đoàn bóng đá Palestine về các hành động bạo lực của Israel ở Dải Gaza.
Quyết định điều tra được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng FIFA tại Zurich hôm 3/10. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết tổ chức này vẫn "vô cùng sốc" về tình trạng bạo lực trong khu vực và kêu gọi hòa bình.
"Hội đồng FIFA đã thực hiện thẩm định cần thiết về vấn đề rất nhạy cảm này và dựa trên đánh giá kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia độc lập," ông Infantino cho biết.
Liên đoàn bóng đá Palestine (PFA) đã khiếu nại dựa trên những gì họ cho là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền của các hiệp hội thành viên và "vi phạm nghiêm trọng các mục tiêu theo luật định của FIFA". Họ cũng lưu ý rằng 92 cầu thủ Palestine (không chuyên nghiệp) đã thiệt mạng trong chiến tranh và cơ sở hạ tầng bóng đá của PFA đã bị phá hủy.
Ngoài ra, PFA còn tố cáo việc các đội bóng câu lạc bộ Israel đang chơi ở các khu định cư bất hợp pháp của Nhà nước Do Thái tại khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây. Ít nhất năm câu lạc bộ bóng đá có trụ sở tại các khu định cư của Israel ở khu vực chiếm đóng tại Bờ Tây là thành viên của Liên đoàn bóng đá Israel (IFA). Theo luật pháp quốc tế, điều này là bất hợp pháp, song IFA đã bác bỏ cáo buộc này.
Tại cuộc họp của Đại hội đồng FIFA tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 5 vừa qua, chủ tịch PFA Jibril Rajoub cũng từng yêu cầu FIFA đình chỉ tư cách thành viên của Israel và cấm các đội bóng nước này tham gia các sự kiện của FIFA.
Nhiều ý kiến cho rằng FIFA đã có hành động không đồng nhất, hoặc có tiêu chuẩn kép khi cấm đội tuyển Nga tham dự các giải đấu quốc tế, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra ở phong trào Olympic. Hồi tháng 5, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế IOC John Coates cho biết không thể trừng phạt Israel như đã áp dụng đối với Nga, do "sự khác biệt giữa hai cuộc xung đột."