Forbes: Trung Quốc đã kiềm chế hoạt động bồi đắp trên Biển Đông

Theo nhận định của các nhà phân tích địa chính trị châu Á kỳ cựu được dẫn bởi Forbes, hiện Trung Quốc đã ngừng hoạt động bồi đắp gây tranh cãi trên Biển Đông do chịu sức ép gia tăng từ nước ngoài.
Trưng bày các tư liệu, bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hungary. (Ảnh : Trần Quang Vinh/TTXVN)

Forbes mới đây đã dẫn lời các nhà phân tích địa chính trị châu Á kỳ cựu nhận định rằng: mặc dù chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc kiềm chế hoạt động mở rộng bổi đắp các đảo mới ở khu vực Biển Đông có tranh chấp.

Theo đó các chuyên gia dẫn chứng lần gần nhất nghe đến hoạt động này là vào tháng 6/2017, khi một viện nghiên cứu Mỹ đánh giá hoạt động của Bắc Kinh tại 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông “đã gần hoàn thành.” Công tác bồi đắp này đã bắt đầu ít nhất trước đó một năm. 

Như vậy, từ bức tranh toàn cảnh hiện nay các chuyên gia tin rằng sức ép gia tăng từ quốc tế đã khiến Trung Quốc ngừng những nỗ lực bồi đắp các đảo mới ở khu vực Biển Đông có tranh chấp. 

Sức ép bắt đầu vào tháng 7/2016, đánh dấu bằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tới 90% diện tích Biển Đông.

[Tự do hàng hải trên biển Đông là lợi ích của tất cả các bên liên quan]

Mặc dù Trung Quốc không công nhận phán quyết, song nước này đã tiến hành thảo luận riêng rẽ với các bên tuyên bố chủ quyền khác.

Ví dụ gần đây nhất là vào ngày 13/11, Bắc Kinh và ASEAN đã nhất trí đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào năm tới nhằm ngăn ngừa các sự cố. Bắc Kinh đã từ chối tiến hành các cuộc đàm phán như vậy trong 5 năm qua.

Ngoài ra, các cường quốc bên ngoài gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, với sự dẫn dắt của Mỹ, đã bắt đầu điều các tàu hải quân tới gần khu vực Biển Đông để hậu thuẫn cho điều mà tất cả họ đều theo đuổi, đó là duy trì Biển Đông là vùng biển mở đối với tự do đi lại.

Cùng đó, trong Sách Trắng đối ngoại lần đầu tiên được công bố sau 14 năm, Australia cũng kêu gọi việc thiết lập “trật tự dựa trên luật lệ” ở Biển Đông, điều khiến Bắc Kinh chỉ trích là hành động “thiếu trách nhiệm”.

​Có thể nói, sức ép từ bên ngoài đã đạt “khối lượng tới hạn” để ngăn Trung Quốc triển khai những dự án hữu hình mới.

Nếu Bắc Kinh xây dựng các đảo mới để phục vụ nhu cầu của riêng mình bất chấp ý chí của các nước khác, nước này có nguy cơ đối mặt với hành động xâm phạm lớn hơn từ các cường quốc bên ngoài.

Một cường quốc bên ngoài có thể cho tàu di chuyển ngang qua để chứng minh rằng vùng Biển Đông rộng 3,5 triệu km2 vẫn là vùng biển mở cho tất cả các bên, hoặc họ sẽ bán thêm vũ khí cho một trong các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền.

Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận xét Trung Quốc muốn cho liên minh tứ giác Australia-Ấn Độ-Nhật Bản-Mỹ thấy rằng nước này có thể giải quyết vấn đề với các bên tranh chấp khác, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh lo sợ các cường quốc này sẽ can thiệp nếu mọi thứ không được giải quyết.

Ông Koh cho hay mục đích của Trung Quốc “vào thời điểm này là thuận theo đà của thiện chí”.

Như một gợi ý về cách nghĩ của Bắc Kinh, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã trấn an Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một cuộc gặp hồi giữa tháng 11 vừa qua ở Manila rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự và cũng không ngăn chặn tự do hàng hải tại Biển Đông.

Liên quan đến COC, mặc dù không đề cập tới vấn đề chủ quyền, song COC sẽ được xem là một cột mốc giúp tất cả các bên hòa hợp với nhau. Các nước sẽ mất đi bạn bè nếu thử thách văn kiện này bằng việc xây một hòn đảo mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục