FPT được cấp 5 bằng sáng chế độc quyền phần cứng về máy in 3D

Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp Bằng độc quyền sáng chế cho 5 sáng chế về máy in ba chiều (3D) của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT.
Ông Trung là tiến sỹ Vật lý Thiên văn, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Versailles, Pháp. (Nguồn: FPT)

Thông tin từ FPT ngày 27/7 cho biết, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp Bằng độc quyền sáng chế cho 5 sáng chế về máy in ba chiều (3D) của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT (Đại học FPT).

Các bằng độc quyền sáng chế có mã số từ 15677-15681, đứng tên tiến sĩ Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT.

Nói về các sáng chế, tiến sĩ Trung cho biết trong quá trình sử dụng máy in 3D, ông thấy một nhược điểm cơ bản là in khá chậm. Do đó, ông đã tập trung vào sáng chế, cải thiện vấn đề này bằng cách can thiệp vào phần cứng.

Điểm ưu việt các sáng chế này là tập trung vào việc đưa ra thiết kế để máy in 3D in nhanh hơn so với loại máy in phun sợi nhựa thông dụng trên thị trường, sử dụng ít cơ cấu chuyển động hơn, nên bền bỉ và vận hành lâu dài ổn định mà vẫn dùng được các nguyên vật liệu phổ thông quen thuộc...

Tuy cả 5 sáng chế đều có tên giống hệt nhau nhưng các máy in 3D này khác nhau về cơ cấu (có hoặc không có bộ phận chuyển động) và về cơ chế hoàn thiện sản phẩm ở công đoạn cuối.

Ngoài ra, sáng chế thuộc các bằng độc quyền số 15677-15680 sử dụng vật liệu là xi măng, gốm; bột mì, bột ngũ cốc; đường, muối, trong khi đó, sáng chế thuộc bằng độc quyền số 15681 lại sử dụng nhựa nhiệt dẻo, thủy tinh, kim loại.

Một trong số 5 bằng sáng chế của FPT được cấp. (Nguồn: FPT)

Ông Trung cho biết sẽ tiếp tục cải tiến các thiết kế, tối giản hóa kích thước, đơn giản hóa tính năng, thân thiện hơn với người sử dụng là cá nhân, hộ gia đình. Ông hy vọng trong tương lai gần có thể chế tạo những chiếc máy in 3D sử dụng các vật liệu tiệm cận với nhu cầu sử dụng hàng ngày như chai nhựa, túi nilon..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục