G-20 cảnh báo nguy cơ 'mất đà' của nền kinh tế thế giới

Trong dự báo mới nhất, IMF cho biết nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2019, mức thấp nhất trong một thập niên qua và giảm mạnh so với dự báo của quỹ này hồi tháng Bảy.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các lãnh đạo tài chính của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ngày 18/10 cảnh báo những nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, bất chấp các diễn biến tích cực trong giải quyết tranh cãi thương mại Mỹ-Trung và kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu bên lề hội nghị tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết: "Chúng tôi đang nhìn thấy sự chậm lại trong đà phục hồi của nền kinh tế thế giới."

[Việt Nam là ngôi sao sáng nhất về tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định]

Theo ông Aso, nhiều đại biểu tham dự cũng nhắc tới các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc gặp hai ngày nói trên diễn ra bên lề hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).

Cả hai thể chế này đều cảnh báo một triển vọng xấu hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong dự báo mới nhất, IMF cho biết nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2019, mức thấp nhất trong một thập niên qua và giảm mạnh so với dự báo của quỹ này hồi tháng Bảy.

IMF ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do tranh cãi thương mại có thể lên tới 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 0,8% GDP toàn cầu.

Trước đó, phát biểu với báo giới ngày 17/10, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoK) Haruhiko Kuroda, người đang làm chủ tịch hội nghị G-20 cùng với Bộ trưởng Aso, cho biết ông thấy "một số cải thiện" trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung và vấn đề Brexit, song cảnh báo chưa vấn đề nào được giải quyết triệt để và các nguy cơ đối với nền kinh tế vẫn còn rất cao.

Dự kiến, trong ngày họp thứ hai, các đại biểu sẽ thảo luận về đồng tiền điện tử Libra, mà tập đoàn Facebook thông báo hồi tháng Sáu và dự định cho ra mắt vào năm 2020.

Hiện có nhiều lo ngại rằng đồng tiền mới này sẽ có một tác động lớn đến hệ thống tài chính nếu nó được tung ra thị trường được công chúng sử dụng rộng rãi để thanh toán.

G-20 cũng hy vọng thảo luận các quy định đánh thuế toàn cầu trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng các công ty công nghệ lớn của Mỹ, như Google, không thanh toán thuế một cách công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục