G20: Mỹ hối thúc Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ có cuộc thảo luận riêng với Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương trong cuộc gặp bên lề Hội nghị bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Fukuoka của Nhật Bản, ngày 8/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9/6 cho biết, ông đã có cuộc thảo luận về các vấn đề thương mại với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương, bên lề Hội nghị bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tại thành phố Fukuoka của Nhật Bản.

Trong một dòng trạng thái trên Twitter, ông Mnuchin cho biết đã có cuộc gặp mang tính xây dựng với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương, trong đó hai bên thảo luận thẳng thắn về các vấn đề thương mại.

Trước đó, ông Mnuchin đã kêu gọi Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

[G20: Chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ-Trung]

Ông cho biết sẽ tổ chức một cuộc thảo luận "riêng tư" với ông Dịch Cương và cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng này có thể sẽ đạt tiến bộ lớn nhằm phá vỡ thế bế tắc.

Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng vượt qua bất đồng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6/2018 quyết định áp 25% thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, nhằm điều chỉnh thâm hụt thương mại.

Kể từ đó, hai bên liên tục áp thuế lẫn nhau.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị G20, các lãnh đạo tài chính nhấn mạnh vấn đề căng thẳng thương mại là một trong các thách thức kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các mức thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020, tương đương 455 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết các bất đồng để tránh nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục