Năm 2014, tỷ lệ điểm bán thuốc vi phạm quy định về trưng bày là 98,5%. Năm 2015, con số này là 96,7%.
Đây là kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng và Hội Y tế công cộng Việt Nam tại 6 tỉnh (Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp và Bạc Liêu).
Kết quả nghiên cứu được thạc sỹ Trần Khánh Long, Đại học Y tế công cộng, trình bày tại “Hội thảo Vận động thực thi luật phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bài học kinh nghiệm và định hướng.” Hội thảo do Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 10/2.
Theo ông Long, vi phạm chủ yếu của các cơ sở bán thuốc là trưng bày quá một bao, một tút thuốc của một nhãn hiệu.
Ông Long cho biết, qua nghiên cứu, điều tra thực tế cho thấy, các cửa hàng và công ty sản xuất thuốc có khá nhiều cách để lách các quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, theo quy định, vỏ tút thuốc phải có 50% diện tích là hình ảnh cảnh báo sức khỏe, nhưng các công ty chỉ bao vỏ tút bằng giấy bóng kính.
Mỗi nhãn hiệu thuốc lá chỉ được trưng bày một bao nhưng cửa hàng trưng bày nhiều bao thuốc giả được làm từ xốp.
Thay vì để đứng bao thuốc, chủ cửa hàng đặt bao thuốc nằm ngang và vì thế, từ phía ngoài chỉ nhìn thấy nhãn hiệu thuốc, không nhìn thấy các hình ảnh cảnh báo sức khỏe.
Các dòng chữ “cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi” được các công ty thuốc lá in sẵn trên các poster với kích thước nhỏ, ở vị trí khó nhìn và phát miễn phí cho điểm bán lẻ.
“Nếu xét về luật, họ vẫn đúng quy định là có ghi dòng chữ này ở nơi bán, nhưng rõ ràng không có giá trị thực tế,” ông Long nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Long, trong quá trình nghiên cứu tại các tỉnh thành, chỉ có một vài điểm bán thuốc hiếm hoi có in dòng chữ này trên giấy A4 và dán ở phía trước quầy.
Để giảm tác động của hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao thuốc, công ty thuốc lá cho đặt phần tem đè lên, che bớt hình ảnh cảnh báo. Có công ty in hình ảnh cảnh báo này phía trên, phía dưới lại là hình ảnh minh họa cho sự sảng khoái khi dùng thuốc lá với màu sắc bắt mắt hơn.
Trong cách thức quảng cáo, khuyến mại, các hãng thuốc cũng có nhiều “chiêu trò” như tặng kèm vỏ bao không có hình ảnh cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe như quy định trên các vỏ bao thuốc lá thông thường. Sau khi mua thuốc, khách hàng chỉ cần rút thuốc đổi sang vỏ bao được tặng để không phải nhìn thấy những hình ảnh cảnh báo.
Một số nhãn hàng đính kèm tem theo từng bao thuốc. Khách hàng gom 10 tem để đổi một bao thuốc. “Cửa hàng thậm chí chấp nhận cả tem rách,” ông Long cho biết.
Để thu hút khách hàng, một số công ty sản xuất các vỏ bao thuốc có thể phát sáng vào ban đêm.
“Những vi phạm này cho thấy nhận thức và sự tuân thủ quy định pháp luật của các điểm bán thuốc lá chưa cao. Điều này cũng phản ảnh sự thiếu sát sát, chặt chẽ của những người có trách nhiệm, lực lượng thanh tra trên các địa bàn mỏng, hoặc còn e dè trong xử phạt,” ông Long nói./.