Gần 160 người thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất tại Ấn Độ

Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương của Ấn Độ cho biết các trận mưa lớn gây lở đất, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 159 người và hiện vẫn còn hàng chục người mất tích.
Quang cảnh ngập lụt tại Ratnagiri, bang Maharashtra, Ấn Độ ngày 23/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/7, lực lượng cứu hộ Ấn Độ đã phải ngâm mình trong lớp bùn sâu đến thắt lưng để tiếp cận những ngôi làng có người dân mắc kẹt trong lũ lụt và bùn đất do lở đất ở miền Tây nước này.

Công tác dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau thiên tai cũng được đẩy mạnh.

Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương cho biết các trận mưa lớn gây lở đất, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 159 người và hiện vẫn còn hàng chục người mất tích.

Nhiều ngày qua, mưa bão nghiêm trọng đã càn quét bờ biển phía Tây của Ấn Độ.

[Gần 70 người thiệt mạng do mưa lũ và sạt lở đất tại Ấn Độ]

Khoảng 250.000 người dân tại 3 bang là Maharashtra, Goa và Karnataka đã phải sơ tán khẩn cấp. Nhiều khu vực bị mất điện, giao thông và thông tin liên lạc bị chia cắt.

Bang Maharashtra là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này với ít nhất 149 người thiệt mạng (tính tới ngày 25/7).

Hiện lực lượng cứu hộ đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm tại làng Taliye ở phía Đông Nam thành phố Mumbai.

Cho đến nay, lực lượng này đã tìm được 53 thi thể và hiện vẫn còn 17 người được cho là mất tích sau trận lở đất kinh hoàng cuốn trôi nhiều nhà dân hôm 22/7. Tại quận Satara, 29 người đã thiệt mạng trong nhiều vụ lở đất.

Trong khi đó, ở thành phố Chiplun, mưa liên tục trong 24 giờ khiến mực nước sông dâng cao gần 6m trong ngày 22/7.

Thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray mô tả những gì đã xảy ra ở Satara là "không thể tưởng tượng nổi."

Thủ hiến bang lân cận Goa, ông Pramod Sawant, nhấn mạnh đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Ở phía Nam bang Karnataka, 9 người đã chết do bị nước lũ cuốn trôi và 4 người vẫn mất tích.

Người phát ngôn của Lực lượng Ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ cho biết hiện không còn mưa ở hầu hết các địa phương, nước lũ cũng đang rút dần.

Lực lượng này đang tập trung sơ tán những người bị thương, tiến hành cứu trợ, dọn dẹp sau lũ và khôi phục lại hoạt động của lưới điện tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ các trận mưa lớn hằng năm - yếu tố quan trọng giúp bổ sung lượng nước ngầm và lượng nước tại các con sông, nhưng mặt khác lại gây nhiều thiệt hại về người và tài sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục