Các chuyên gia thế giới cho rằng, Việt Nam là quốc gia bị tác động nặng nề đứng thứ hai trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, bị tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đó là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thực hiện các mục tiêu phát trển bền vững và xóa đói giảm nghèo.
Thách thức công tác xóa đói giảm nghèo
Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, các nghiên cứu về nguy cơ tương lai chỉ ra nhiệt độ không khí tăng cao, mưa và hạn hán bất thường, mặt đất bị lún sụt. Đây là những nguy cơ thường trực tác động đến người dân, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em neo đơn của Đồng bằng sông Cửu Long.
Các nguy cơ từ biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống cộng đồng, trong đó có sinh kế; thu nhập của người lao động, nhất là lao động nghèo sẽ không còn đủ đảm bảo cuộc sống, làm cho mục tiêu nâng cao đời sống thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng khó đạt được.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, người nghèo nói chung, trong đó có phụ nữ nghèo tập trung nhiều nhất trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng ven biển bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Biến đổi khí hậu tác động nặng nề hơn đến người nghèo vì họ có ít nguồn lực để phục hồi.
Vấn đề sinh kế của phụ nữ bị ảnh hưởng bởi việc tăng các thảm họa thiên nhiên, mực nước biển dâng và những thay đổi trong các hình thức mưa. Phụ nữ tích cực làm nông nghiệp và tự tạo việc làm, nhưng lại ít được tiếp cận và nắm giữ các tài sản chính.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các hệ thống nông nghiệp và sinh thái. Do phụ nữ nói chung phụ thuộc nhiều hơn vào đất đai và các tài nguyên thiên nhiên để mưu sinh, họ là những người dễ bị tổn thương hơn khi tài nguyên khan hiếm.
Phụ nữ di cư thường kiếm được ít tiền hơn đàn ông và họ còn gánh trách nhiệm sinh đẻ. Họ có thể còn phải đảm nhận trách nhiệm của người đàn ông nhưng lại không được bình đẳng tiếp cận tới các nguồn lực như đất đai, tín dụng.
Phụ nữ cũng thường bị tử vong nhiều hơn đàn ông do các hậu quả của các thảm họa thiên nhiên. Các dạng kỳ thị giới tồn tại trước đây có nghĩa là phụ nữ và con gái bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn trong và sau thiên tai. Trẻ em và phụ nữ có thai đặc biệt dễ bị mắc các căn bệnh do nước gây ra.
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo bị hạn chế trong việc theo kịp các thay đổi mang tính chiến lược. Những khó khăn chính gồm tiếp cận và kiểm soát đất đai, tín dụng, thông tin.
Phụ nữ thường có ít tiếng nói trong các quyết định về quản lý thảm họa dù vai trò, trách nhiệm và kinh nghiệm của họ như thế nào đi nữa. Ở cấp độ gia đình và cộng đồng, dù đã có một số tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt khá rõ ràng về giới tính trong việc ra quyết định.
Quan tâm đặc thù tới cộng đồng nghèo
Bà Nguyễn Thị Yến, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho rằng, trong thời gian tới, cần đưa giảm nghèo và bình đẳng giới thành tâm điểm của tất cả các chiến lược và dự án đầu tư về biến đổi khí hậu; quan tâm, xem xét nhiều hơn đến thúc đẩy và lồng ghép các can thiệp dựa vào cộng đồng, hướng tới phụ nữ và nhóm đối tượng nghèo.
Các chiến lược, chương trình và hoạt động về biến đổi khí hậu cần được xây dựng và thực hiện với sự tham gia đầy đủ của nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ; chính thức hóa vai trò hội phụ nữ tham gia vào công tác lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp.
Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, bảo đảm sinh kế của cộng đồng nghèo là một trong những thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, việc nghiên cứu nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu cho người nghèo đã được thực hiện và có nhiều tiến bộ.
Vấn đề đặt ra là việc áp dụng các mô hình vào thực tiễn trong cuộc sống cần phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương nhằm đảm bảo cuộc sống cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Thể, Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhóm người dễ bị tổn thương sẽ là những người chịu hậu quả nặng nề và thiệt thòi nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, do đó cần có những hoạt động đặc thù cho nhóm người này.
Cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, coi trọng các chính sách hỗ trợ hướng tới người nghèo, người dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.
Các tổ chức phi chính phủ, địa phương, các cơ quan quản lý địa phương cần đặc biệt quan tâm đến người nghèo, người dễ bị tổn thương; lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện canh tác, kinh tế xã hội của từng vùng; cần có giải pháp phù hợp huy động và sử dụng các nguồn lực hợp lý để hỗ trợ nông dân bị tổn thương do tác động bởi biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt cho biết, nhận thức rõ những tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững của đất nước, nhất là của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu trong vùng.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về biến đổi khí hậu. Thời gian qua, ban đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng thực hiện các chính sách, biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân trước việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, khoảng 35% dân số của vùng, tương đương gần 6,3 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Các đối tượng phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật và người nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi biến đổi khi hậu diễn ra.
Các nhà hoạch định chính sách cần sớm xây dựng được các mô hình sinh kế thích hợp, có hành động thiết thực nhằm giảm nhẹ tổn thương khi biến đối khí hậu diễn ra cho riêng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này./.