'Gánh nặng đường xa' của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tới Anh

Trong bối cảnh nước Anh rơi vào rối loạn chính trị và liên minh Mỹ-Anh rạn nứt, bản thân Tổng thống Donald Trump cũng bị dư luận Anh chỉ trích.
'Gánh nặng đường xa' của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tới Anh ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Getty Images)

Theo CNN/Reuters/AFP/TNHK, vấn đề Brexit, Huawei và đặc biệt là một thỏa thuận thương mại lớn là những chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Anh kéo dài ba ngày, từ ngày 4-6/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong bối cảnh nước Anh rơi vào rối loạn chính trị và liên minh Mỹ-Anh rạn nứt, bản thân ông Trump cũng bị dư luận Anh kịch liệt chỉ trích.

Chuyến công du kéo dài 3 ngày của ông đến nước Anh dù được bắt đầu bằng một cái bắt tay nồng ấm với Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị trên thảm cỏ của Cung điện Buckingham và một bữa yến tiệc với gần 200 khách mời hoàng gia và gia đình tổng thống Mỹ, song theo hãng tin AFP, ẩn sau quanh cảnh hào nhoáng đó, nước Anh đang ở trong một giai đoạn bước ngoặt, và chính phủ nước này sẽ rơi vào tình trạng không có người điều hành trong vòng 4 tháng trước khi chính thức kết thúc 4 thập kỷ làm thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc gặp giữa ông Trump với Thủ tướng vừa từ chức của Anh Theresa May diễn ra chỉ vài tuần trước khi bà chính thức rời khỏi vị trí này sau khi không thể hoàn tất tiến trình Brexit bất chấp những nỗ lực đã thực hiện suốt 3 năm qua.

Bối cảnh u ám

Hình ảnh ông Trump và bà May cùng nhau bước vào buổi họp báo chung với vẻ mặt lạnh lùng và không hề bắt tay nhau trước khi chuyển sang các cuộc đối thoại chính thức tại văn phòng thủ tướng ở Phố Downing diễn ra ngay trên nền những cuộc biểu tình ầm ĩ của các nhà hoạt động xã hội trên các đường phố London để chỉ trích Trump xung quanh các quan điểm của ông về nhiều vấn đề.

Theo Đài TNHK, bất chấp quan hệ khăng khít của Anh với Mỹ, nhiều cử tri Anh coi ông Trump là người thô thiển, không kiên định và đối nghịch với các giá trị của họ về nhiều vấn đề - từ biến đổi khí hậu cho tới đến cách đối xử với phụ nữ.

[Mỹ khẳng định mối quan hệ 'đặc biệt' với Anh hậu Brexit]

Tại trung tâm London, ước tính có hàng nghìn người biểu tình phản đối Tổng thống Trump. Các nhà hoạt động môi trường, các nhà vận động chống phân biệt chủng tộc và những người biểu tình vì quyền của phụ nữ cũng góp mặt trong các cuộc biểu tình.

Brexit được tung hô

Trong một chuyến công du tới Anh năm ngoái, Trump đã gây sốc với chính giới Anh khi chỉ trích bà May xung quanh vấn đề Brexit, đồng thời tán dương các đối thủ của bà, thế nhưng trong buổi họp báo ngày 5/6, ông chỉ dành những lời lẽ ấp áp cho vị thủ tướng vừa từ chức.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông: “Tôi nghĩ bà ấy đã làm rất tốt công việc của mình.” Ông liên tục tán dương “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ, gạt bỏ hết những mối lo ngại mà ông từng lặp đi lặp lại về cuộc khủng hoảng Brexit và những chỉ trích với bà May.

Ông nói với báo giới: “Đây là một liên minh vĩ đại nhất thế giới mà tôi từng biết.” Ngay cả trước khi chuyên cơ Air Force One đáp xuống Anh, Tổng thống Trump cũng đã ca ngợi các nhà lãnh đạo chính của Brexit là ông Boris Johnson và ông Nigel Farage.

Ông thậm chí còn nói với Thủ tướng May rằng bà nên tiếp tục ở lại để nắm bắt cơ hội mặc dù chỉ còn hai ngày nữa là bà May sẽ chính thức thôi chức thủ tướng.

Ông khuyên Anh nên rút khỏi EU vào ngày 31/10 dù có đạt được thỏa thuận với EU hay không. Theo AFP, ông Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người được ông đề cử là lãnh đạo “tuyệt vời” để dẫn dắt Brexit đi đến hồi kết: “Tôi biết Boris, tôi rất thích ông ấy, tôi đã thích ông ấy từ lâu rồi. Tôi nghĩ ông ấy đã làm rất tốt công việc của mình.”

Ngoài ra, lãnh đạo đảng Brexit có chủ trương chống EU là Nigel Farage cũng cho biết ông đã có một “cuộc gặp tốt đẹp” với ông Trump tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ, với trọng tâm là việc Anh rời khỏi EU.

Lạc quan về vấn đề Huawei

Huawei là đề tài hàng đầu trong cuộc họp tại London sau khi chính phủ Anh tỏ ra bất chấp yêu cầu của chính quyền Trump và cho phép công ty Trung Quốc giữ một vai trò có giới hạn trong việc xây dựng mạng 5G.

Theo Reuters, vấn đề này chính là nút thắt chính trong mâu thuẫn giữa hai nước đồng minh. Chính quyền Trump đã nói với các đồng minh không sử dụng công nghệ và thiết bị 5G của Huawei vì lo ngại điều đó sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi các thông tin và dữ liệu nhạy cảm, mặc dù Huawei phủ nhận việc đang hoặc có thể sẽ là một công cụ cho tình báo Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp kéo dài một giờ với bà May, ông Trump khẳng định mọi thứ đều có thể giải quyết. Ông nói: “Chúng ta có một mối quan hệ tình báo tuyệt vời và sẽ có khả năng giải quyết mọi khác biệt. Chúng tôi đã thảo luận về điều đó và tôi hoàn toàn không thấy có bất cứ hạn chế nào, chúng ta chưa bao giờ có những hạn chế, Anh là một đồng minh lớn và một đối tác tin cậy, và chúng ta sẽ xử lý được vấn đề này.”

Hãng tin AFP cũng dẫn lời Trump cho biết ông chắc chắn rằng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ về Huawei để tránh xảy ra sự gián đoạn trong chia sẻ thông tin tình báo giữa London và Washington.

Tuy nhiên, ông sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi đối mặt với người kế nhiệm của bà May, dù các cố vấn của Nhà Trắng đã kêu gọi lãnh đạo kế tiếp của Anh không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng công nghệ điện thoại di động 5G.

Lời hứa về một thỏa thuận “phi thường”

Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến thăm London của Tổng thống Mỹ là lời hứa về một thỏa thuận thương mại lớn giữa Mỹ và Anh thời hậu Brexit.

Tuy nhiên, theo CNN, sẽ là cực kỳ khó khăn để đạt được thỏa thuận này, mặc dù bà May cho biết hai bên đã có “cuộc thảo luận tích cực” về thỏa thuận thương mại đầy tham vọng, còn Trump thì nhấn mạnh đó sẽ là một thỏa thuận “phi thường,” khiến kim ngạch thương mại song phương có thể tăng “gấp hai, thậm chí gấp ba lần những gì chúng ta đang làm hiện nay.”

Anh sẽ không thể tiến hành các cuộc thảo luận với những đối tác thương mại tiềm năng chừng nào họ chưa chính thức rời EU, và các kế hoạch của họ với Brexit thì vẫn còn dang dở.

Bà May sẽ chính thức rời nhiệm sở vào ngày 7/6, và sẽ chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra tới đây. Kể cả khi một cuộc thảo luận chính thức về thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh có thể khởi động thì khả năng là nó cũng sẽ kéo dài nhiều năm và có thể đổ vỡ bởi hàng loạt vấn đề chính trị gai góc.

Marc Busch, giảng viên về chính sách ngoại giao thương mại quốc tế tại Đại học Georgetown, nhận định: “Với tình hình hiện nay, thực sự không có nhiều triển vọng cho một thỏa thuận như vậy.”

Hiện còn nhiều đề nghị từ phía chính quyền Trump dường như không thể thực hiện được ở Anh, và ông Trump cho biết tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều “đang trên bàn đàm phán” trong cuộc thảo luận vừa rồi, trong đó phải kể đến nông nghiệp, hệ thống y tế, dịch vụ công…

Vấn đề biên giới Bắc Ireland cũng là một trở ngại đối với một thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ. Nancy Pelosi, nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, phát biểu hồi tháng 4 rằng sẽ không có thỏa thuận thương mại nào với Anh nếu xuất hiện bất cứ sự vi phạm nào với hiệp ước Thứ sáu Tốt lành.

Chuyên gia David Henig, giám đốc Dự án Chính sách Thương mại Anh và là cựu quan chức thương mại Anh, nhận định: “Có nhiều điều mà Anh phải lựa chọn giữa Mỹ và EU. Chính phủ Anh vẫn chưa biết họ muốn chọn hướng đi nào.”

Bản thân cách tiếp cận các cuộc đối thoại thương mại của ông Trump cũng sẽ khiến Anh gặp nhiều khó khăn.

Tổng thống Mỹ đang đe dọa tăng thuế lên 25% với tất cả hàng hóa nhập từ Mexico nếu nước này không ngăn chặn được dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ.

Chuyên gia Busch nhận định: “Làm sao để chính phủ Anh có thể xoay sở với chính quyền Trump và tin vào những gì họ có thể đạt được, đó thực sự vẫn là một điều bí ẩn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.