Gặp gỡ người họa sỹ khuyết tật thổi hồn vào từng cánh hoa trên vải

Tai nạn nghiêm trọng đã cướp đi của ông Trần Hùng Bảo cả hai cánh tay và một bên chân nhưng không thể cướp đi nghị lực sống và khát khao dâng hiến những tác phẩm nghệ thuật đẹp cho đời.
Gặp gỡ người họa sỹ khuyết tật thổi hồn vào từng cánh hoa trên vải ảnh 1Ông Trần Hùng Bảo vẽ hoa trên áo cho khách. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Thật khó để hình dung tác giả của hàng nghìn những bức họa trên áo lại là người đàn ông chỉ còn duy nhất một chân lành lặn. Tai nạn nghiêm trọng đã cướp đi của ông cả hai cánh tay và một bên chân nhưng không thể cướp đi nghị lực sống và khát khao dâng hiến những tác phẩm nghệ thuật đẹp cho đời.

Đó là họa sỹ Trần Hùng Bảo, ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, người đang mỗi ngày miệt mài thổi hồn vào từng cánh hoa trên nền vải.

Vượt lên chính mình

Họa sỹ Trần Hùng Bảo (sinh năm 1960) có tuổi thơ êm đềm như bao bạn cùng trang lứa. Năm 12 tuổi, họa sỹ bị tai nạn nghiêm trọng.

Họa sỹ chia sẻ tỉnh dậy trong bệnh viện, ông bàng hoàng khi thấy mình mất đi đôi bàn tay. Hơn hai tháng sau, chân phải cũng không giữ lại được do bị hoại tử.

Hồi tưởng lại quãng thời gian đó, ông Bảo nói rằng đó là “thời kỳ đen tối nhất” trong cuộc đời. Từ một cậu bé vô tư, giờ ông thấy mình vô dụng, bất lực, thấy tương lai mờ mịt.

Bốn năm đằng đẵng tập vật lý trị liệu cùng tay và chân giả là những ngày cùng cực của đau đớn thể xác và tinh thần. Những vết sẹo từ từ liền miệng cũng là lúc cẳng chân giả đã giúp ông nâng đỡ những bước đi tập tễnh quanh nhà.

Với đôi tay giả bằng kim loại, ông đã cố gắng tập viết. Tuy nhiên, chiếc bút gắn vào hai ngón tay giả cứ chực rớt ra, không theo sự hướng dẫn của chủ nhân. Những nét chữ nguệch ngoạc, xen kẽ cùng những giọt mồ hôi ướt nhòe trang giấy.

Họa sỹ tâm sự, nhiều lần, ông đã muốn buông xuôi, phó mặc số phận khi bị những cơn đau hành hạ, không thể điều khiển cánh tay giả như ý mình. Thế nhưng, khi bình tĩnh lại, ông lại tự cổ vũ mình đứng dậy.

Từ suy nghĩ ấy, họa sỹ Trần Hùng Bảo quyết tâm quay trở lại trường để hoàn thành chương trình phổ thông sau hơn 4 năm gián đoạn.

Tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đến với ông khi bạn bè đã xong chương trình đại học. Nộp hồ sơ thi đại học, một lần nữa ông bị “sốc tâm lý” khi nhận được những ánh nhìn ái ngại và cái lắc đầu đầy ngụ ý. Cánh cửa đại học đã khép lại nhưng cánh cửa số phận mở ra một chân trời mới, mang lại cuộc sống ổn định cho ông.

Họa sỹ chia sẻ ông thầm biết ơn biến cố năm đó. Do không trường đại học nào nhận hồ sơ nên ông tự nhận thấy được năng khiếu của bản thân. Ông quyết định đi tìm thầy học vẽ, theo đuổi đam mê hội họa.

Ông tìm đến nhà thầy Phận ở đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều) để học vẽ truyền thần.

Thầy chính là chiếc phao cứu sinh cho ông, kiên nhẫn sửa từng nét nhỏ, đồng thời động viên, khuyến khích từng bước tiến bộ dù rất chậm của ông... Nhờ đó, ông vẽ nhanh hơn, đường nét gãy gọn, chính xác và có hồn hơn.

Đó là công việc đầu đời của họa sỹ Trần Hùng Bảo. Đến khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, khách tìm đến đặt hàng vẽ truyền thần ngày càng thưa thớt, thay vào đó là phong trào vẽ trên áo phát triển. Sau những đêm trăn trở, ông quyết định đổi hướng cho phù hợp với thị trường.

Ban đầu, ông mua dụng cụ vẽ về thử nghiệm và nhờ mọi người xung quanh cho ý kiến để hoàn thiện. Dần dần, người quen và các thợ may gần nhà mang đồ đến đặt ông vẽ. Đơn hàng cứ thế nhiều dần lên, nghiệp vẽ trên trang phục vì thế cũng theo ông đến bây giờ.

Mấy chục năm qua, người dân qua lại con hẻm Đề Thám, quận Ninh Kiều, luôn nhìn thấy hình ảnh một họa sỹ khuyết tật cần mẫn ngồi vẽ từng nét cọ trên vải áo.

Người họa sỹ ấy gắn thanh sắt thay thế 2 ngón tay như gọng kìm điều khiển cây cọ trên cánh tay giả, dùng chân còn lại giữ chặt tấm vải.

Không ngừng sáng tạo

Ông Trần Hùng Bảo cho biết khi mới vẽ, ông chỉ chọn những kiểu đơn giản như lá, hoa… Từ từ, nghề dạy nghề, kiểu mẫu trang trí ngày càng phong phú hơn, màu sắc lạ hơn, đẹp hơn.

Để tạo hình nổi, màu sắc áo có nét độc đáo riêng, ông mày mò sáng tạo lấy ngẫu hứng từ sự biến đổi không ngừng của thiên nhiên hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Đôi khi, khách chụp hình chỉ thấy được một phía của hoa văn, ông phải hình dung để bố cục lại, vẽ cho đúng ý khách. Thậm chí, có những hình quá nhỏ ông phải lấy kính lúp để xem và vẽ theo từng chi tiết.

Gặp gỡ người họa sỹ khuyết tật thổi hồn vào từng cánh hoa trên vải ảnh 2Ông Trần Hùng Bảo tư vấn cho khách các mẫu hoa văn trước khi vẽ trên áo. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Giờ công nghệ phát triển hơn, trên bàn làm việc của ông đặt một chiếc máy tính xử lý mẫu vẽ thay cho chiếc kính lúp. Nhờ đó, ông có thể tìm kiếm, khám phá thêm kiểu mẫu, kỹ thuật vẽ trên nhiều chất liệu vải.

Mỗi ngày, ông luôn cố gắng tìm mẫu mã mới lạ, hợp xu hướng trên mạng Internet, kết hợp ý tưởng riêng cho ra mẫu sáng tạo, hài hòa màu sắc, không bị trùng lắp với những mẫu vẽ trước đó.

Không chỉ khách hàng ở Cần Thơ, nhiều người ở các tỉnh khác cũng tìm đến nhờ ông làm đẹp cho chiếc áo của mình.

Bà Nguyễn Minh Thư, đến từ Sóc Trăng, cho biết bà được chủ tiệm may quen giới thiệu qua chỗ ông Bảo để vẽ trang trí cho chiếc áo dài của mình. Đây là chiếc áo bà sẽ mặc trong đám cưới của con trai sắp tới. Khi cầm sản phẩm trên tay, bà rất hài lòng. Từng nét vẽ thanh thoát, bay bổng. Hoa văn là dãy hoa nhí uốn lượn từ ngực áo xuống tới chân áo, giúp bà cảm giác trẻ hơn, thon thả hơn.

Theo ông Bảo, khi nhận thiết kế một sản phẩm, bên cạnh ý muốn của khách, ông còn tư vấn để hoa văn có thể tôn những nét đẹp, che những khuyết điểm cho khách hàng. Ví như: khách có dáng người thấp đậm, ông sẽ tư vấn hoa văn nhỏ, kéo dây theo chiều dài áo. Ngược lại, khách cao và gầy, ông tư vấn hoa văn to, dàn theo bề ngang của áo để “đánh lừa thị giác,” khiến người mặc có vẻ “có da có thịt” hơn.

Với sự cố gắng không ngừng trong sáng tạo, những năm gần đây, trung bình mỗi ngày, khách gửi từ 5-8 áo, có cả đồng phục số lượng lớn.

Tùy từng đường nét và độ khó, phức tạp của hoa văn, từng nét vẽ luôn được ông Bảo chăm chút tỉ mỉ và uyển chuyển, mềm mại. Khi có nhiều hơn hàng, ông thức cả đêm để vẽ, kịp trả cho khách.

Họa sỹ Trần Hùng Bảo tâm sự ông luôn cố gắng hoàn thành đúng hoặc sớm hơn hẹn, không để khách thất vọng. Đôi khi sức khỏe bản thân là một trở lực, các vết thương đau nhức nếu làm việc quá nhiều, nhưng cứ nghĩ tới nụ cười của khách khi nhận thành phẩm, ông thấy vui và cố gắng vượt qua...

Chia sẻ về những kế hoạch ấp ủ trong thời gian tới, ông Bảo cho biết, ông sẽ thử nghiệm trong mảng vẽ áo dài cổ phục. Loại trang phục này đòi hỏi họa tiết tỉ mẩn hơn, tuân thủ nghiêm những nguyên tắc truyền thống. Đó là sự thử thách cũng là sự “phiêu lưu” của người nghệ sỹ ở mảng mới đầy sáng tạo.

Ngoài mở tiệm mưu sinh, nhiều năm qua, tiệm vẽ của ông Bảo còn là nơi truyền nghề cho những người có cùng đam mê, trong đó có những người bị câm điếc. Nhiều người về quê mở tiệm vẽ cho thu nhập ổn định.

Ông Trần Hùng Bảo trải lòng, bản thân đã trải qua những chuỗi ngày bi quan, mất phương hướng khi nghĩ mình là người khuyết tật. Do đó, ông luôn mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn như mình vươn lên, tự tin, hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành người có ích.

Công nghệ thông tin phát triển, khách muốn vẽ mẫu gì sẽ lưu trong điện thoại và chuyển qua Zalo, Facebook… cho ông. Để làm quen với công nghệ, ông cũng mất một khoảng thời gian. Hiện nay, các công đoạn kiểm tra tin nhắn, chỉnh sửa hình mẫu trên máy, in hình ra vẽ lên vải… đều được ông làm nhuần nhuyễn. Ông Bảo nhấn mạnh chiến thắng bản thân là khó nhất và vinh quang nhất. Ông luôn cố gắng vươn lên số phận.

Nghe ông tâm sự, rồi nhìn ông chậm rãi thao tác những nét vẽ với hai ngón tay giả trên những tà áo dài, mọi người sẽ hình dung đến cây xương rồng: bình tĩnh, vững chãi vượt qua bão táp cuộc đời. Ông kể về những biến cố, những nỗ lực cứ “nhẹ tựa lông hồng” nhưng mọi người đều hiểu, hành trình ấy đầy mồ hôi và nước mắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục