Gặp gỡ người nông dân đam mê sáng chế máy móc nông nghiệp ở Bắc Ninh

Với việc sáng tạo nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, anh Phùng Văn Nam (Bắc Ninh) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Gặp gỡ người nông dân đam mê sáng chế máy móc nông nghiệp ở Bắc Ninh ảnh 1Anh Phùng Văn Nam (bên trái) giới thiệu sản phẩm máy cày phay lên luống đến với người dân. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn xã Minh Tân (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), anh Phùng Văn Nam (sinh năm 1981) đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, góp phần giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, được nông dân đánh giá cao và sử dụng rộng rãi.

Đam mê sáng tạo

Sinh ra trong gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 6, anh Nam phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Thời gian này, anh đã có nhiều trải nghiệm, thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng sáng tạo những sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giảm tải sức lao động, vất vả của người nông dân.

Anh Nam chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua rất nhiều công việc, từ làm nông nghiệp, thợ rèn, thợ cơ khí, đi học tập, làm kinh tế tại những vùng chuyên nông nghiệp ở các tỉnh miền Nam… Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tôi hiểu được nỗi vất vả của bà con cùng những kinh nghiệm làm ăn ở những vùng khác. Từ đó, ý tưởng nghiên cứu sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp bắt đầu nhen nhóm trong tôi.”

[100 nông dân xuất sắc: Điển hình đi đầu phát triển kinh tế nông nghiệp]

Anh Nam trăn trở khi chứng kiến người nông dân mặc dù đã ứng dụng máy móc vào làm đất nhưng vẫn phải lên luống bằng cuốc, cào khiến năng suất lao động thấp. Anh mày mò tìm hiểu trên mạng xã hội, nghiên cứu các loại máy phù hợp với đặc điểm sản xuất địa phương.

Năm 2013, anh nhập dàn phay cũ sản xuất từ Nhật Bản về chế tạo và cải tiến cho phù hợp với với nhu cầu sử dụng của bà con. Không có kiến thức chuyên môn, chưa biết nhiều về máy móc, anh tự làm theo ý tưởng của mình kết hợp với nghiên cứu trên mạng Internet.

Lắp vào lại cắt ra, trải qua nhiều lần lắp ráp, sáng tạo, với quyết tâm hoàn thành sản phẩm tới cùng, nhiều đêm thức trắng, anh đã thành công với sáng chế đầu tay là máy lên luống mini cầm tay.

Theo anh Nam, máy lên luống mini cầm tay được cải tiến từ máy xới Nhật Bản cũ có thể điều chỉnh được kích thước luống khác nhau.

Chiếc máy được đưa vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động con người, tăng năng suất. Bà con trong vùng rất phấn khởi.

Từ thành công bước đầu, anh ấp ủ chế tạo dàn phay lên luống 5 trong 1 cho năng suất cao.

Gặp gỡ người nông dân đam mê sáng chế máy móc nông nghiệp ở Bắc Ninh ảnh 2Anh Phùng Văn Nam hàng ngày cải tiến sản phẩm giàn máy cày phay lên luống giúp cải tiến năng suất lao động. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Anh Nam bộc bạch nông nghiệp ngày càng phát triển và có nhu cầu mở rộng, bà con trong vùng trồng hoa màu càng nhiều trong khi đó mỗi loại phù hợp với các loại luống khác nhau.

Những máy lên luống mini không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, đảm bảo yếu tố thời vụ cho bà con bởi máy mini sử dụng trên diện tích rộng sẽ mất nhiều công sức.

Do đó, anh đã nhập khẩu đầu nổ và đầu số chất lượng của Nhật Bản đã qua sử dụng về lắp ghép với nhau; sau đó, chế tạo ra bộ phận phay lên luống và thử nghiệm dàn phay lên luống 5 trong 1 tích hợp nhiều tính năng mới từ năm 2014.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh đưa máy ra cánh đồng chạy thử để đánh giá hiệu quả và khắc phục những nhược điểm tồn tại.

Ngay sau khi ra mắt, sản phẩm trở thành trợ thủ đắc lực của bà con, giúp công việc làm đất lên luống trở nên nhanh chóng và hiệu quả; giảm sức lao động, giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Dàn phay lên được 5 loại luống khác nhau gồm luống cà rốt mặt luống từ 45cm cao 30cm, rãnh 17cm; luống trồng rau ăn lá kích thước từ 90-100cm; luống trồng dưa hấu kích thước mặt luống từ 140-160cm, độ chếch 20 độ; luống dưa lê kích thước mặt luống từ 130-150cm, mặt luống vòm cong và luống trồng hành vụ đông kích thước mặt luống từ 80-100cm, độ cao luống từ 35-45cm phù hợp với độ cao đặc thù của cây hành tỏi.

Cùng với dàn phay lên luống, anh Nam tiếp tục chế tạo dàn đào rãnh trồng mía và đường ống tưới hoa màu với tác dụng đào sâu được từ 30-40cm, độ rộng của rãnh 30cm; phụ kiện khoan hố đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp, lâm nghiệp với tác dụng đào hố có kích thước sâu 60-90cm, đường kính 40-60 cm chỉ trong thời gian một phút (nếu đào thủ công sẽ phải mất nhiều giờ đồng hồ). Các loại máy này đều đáp ứng thiết thực nhu cầu người nông dân và được sử dụng rộng rãi cho nông nghiệp hiện đại.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Đã sử dụng dàn máy phay lên luống của anh Nam trong thời gian dài, anh Nguyễn Văn Thái (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cho biết trước đây, khi chưa có máy, bà con nông dân phải vất vả khi làm màu, nhất là công đoạn lên luống thường sử dụng cuốc, cào dẫn đến năng suất lao động thấp, nhiều khi không kịp thời vụ.

Gặp gỡ người nông dân đam mê sáng chế máy móc nông nghiệp ở Bắc Ninh ảnh 3Anh Phùng Văn Nam (bên trái) giới thiệu sản phẩm máy cày phay lên luống đến với người dân. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Từ khi có dàn phay lên luống tích hợp 5 trong 1, chỉ trong khoảng 20 phút, chiếc máy đã làm luống xong cho 1 sào đất. Nếu làm bằng sức người với cuốc, xẻng, thời gian sẽ phải mất cả ngày công lao động, trong khi rãnh luống không sạch đất, má luống không chặt, khi tưới hoặc mưa sẽ làm đất sạt luống làm ngập úng, ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của cây trồng.

Nhận thấy được những ưu điểm máy mang lại, anh quyết định đầu tư dàn phay lên luống tích hợp 5 trong 1 không chỉ làm cho gia đình mình mà còn làm thuê, giúp bà con nông dân kịp thời vụ.

Để quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dân, anh Nam lập kênh Youtube và thường xuyên đăng tải video giới thiệu sản phẩm, giải đáp các thắc mắc của khách hàng; đồng thời, trực tiếp hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm phù hợp với địa hình, loại đất địa phương.

Với nhiều tính năng ưu việt, sản phẩm máy cày phay lên luống của anh không chỉ được bà con trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước tin tưởng sử dụng.

Đến nay, trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất của anh Nam cung cấp ra thị trường 200 sản phẩm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh máy móc của anh hàng năm là hàng tỷ đồng, cho lợi nhuận 400 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, anh Nam cho biết, anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để phù hợp hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, anh tích cực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp người dân giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất cây trồng, tăng lợi nhuận thu được.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Đào Duy Hữu cho biết anh Phùng Văn Nam là nông dân tiêu biểu, say mê sáng tạo, lao động sản xuất. Những sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp của anh phù hợp với nhu cầu thực tiễn, được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp của người dân trong và ngoài tỉnh, đáp ứng về tiến bộ khoa học trong ngành nông nghiệp nhằm tăng năng suất cho người nông dân nói chung và phát triển kinh tế quê hương, đất nước.

Với những sản phẩm sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nền nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển, anh Phùng Văn Nam được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Anh đã đoạt giải Nhất với sáng kiến “Cải tiến kỹ thuật máy phay lên luống Phùng Nam” do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức năm 2020; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nhà Khoa học của nhà nông” lần thứ Ba, năm 2020.

Đặc biệt, năm 2023, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục