Cùng với việc tạo cho “Lão Khổ” một diện mạo mới, Tạ Duy Anh còn tái ngộ độc giả với “Bước qua lời nguyền và những truyện khác.”
Hai cuốn sách được ấn hành cách nhau khoảng ba tháng, góp phần quan trọng giúp người đọc hình dung về một Tạ Duy Anh trong văn chương với tư duy sắc sảo, ý tứ thẳng thắn và câu chữ sâu cay. Ở đó, người ta còn thấy cả những đớn đau về sự nghiệt ngã của kiếp người, những day dứt về ranh giới mong manh giữa thiện-ác, nhân tính-thú tính… của ông.
Hơn mười năm kể từ lần xuất bản đầu tiên (tại Nhà xuất bản Văn học năm 1992), tiểu thuyết “Lão Khổ” mới trở lại với độc giả. Theo lời chia sẻ của tác giả, so với bản in trước, phiên bản “Lão Khổ” lần này đã được tác giả “gần như viết lại.”
Nhà văn cho biết, nhân vật chính (lão Khổ) được lấy nguyên mẫu từ chính bố ông. Tạ Duy Anh bảo, một cách rất tự nhiên, không ít người thân, bạn bè gọi cả ông và bố ông bằng cái tên “lão Khổ” ấy.
“Nó giống như một sự mặc định nào đó của số phận. Bởi vì, lão Khổ gần như suốt cuộc đời, số phận ứng vào cái tên mà diễn theo Hán ngữ là cay đắng, khốn nạn, cơ cực… còn đọc bằng âm thuần Việt thì miệng phải thu lại như người sắp thở dốc, âm phát ra từ cuống họng, rất nhọc,” nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, những truyện ngắn tiêu biểu cho văn phong của Tạ Duy Anh (như “Bước qua lời nguyền,” “Thi tuyển Khùng,” “Dịch quỷ sứ,” “Gã lộn ngược,” “Lãng du,” “Chuyện kể mua vui,” “Trong bóng tối”...) được tập hợp trong cùng một tuyển tập - “Bước qua lời nguyền và những truyện khác.”
Trước đó, những truyện ngắn này được đăng rải rác trên các báo và nằm trong các tuyển chọn riêng lẻ khác.
Nói về tuyển tập mới ra mắt của Tạ Duy Anh, nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, 25 truyện ngắn trong đó (có truyện cũ đã quen với người đọc, có truyện mới) là một sự tuyển chọn thú vị.
Đọc lại những truyện như “Bước qua lời nguyền,” “Xưa kia chị đẹp nhất làng,” “Lũ vịt trời,” “Ngôi nhà của cha tôi”… ta gặp lại tác giả của thời gian khởi đầu việc viết. Những truyện ngắn thấm đẫm hơi thở nhà quê đồng bằng Bắc Bộ.
Lê Minh Khuê cho rằng, trong dòng chảy của văn học đương địa, ít có người tạo được không khí nông thôn, xây dựng nhân vật đậm chất thôn dã như Tạ Duy Anh.
“Anh [Tạ Duy Anh-PV] đã đạt được sự ‘lão’ trong việc tìm được rất nhiều ý tưởng để chuyển vào sáng tạo văn học. Anh là một người nghĩ nhiều, không bao giờ chịu nhạt, chịu để từ ngữ vô nghĩa làm loãng ý tưởng; để có nhiều truyện ngắn lạ. Nghĩ lạ - chính điều đó truyền cảm hứng cho người đọc,” nữ văn sỹ nói về nghệ thuật viết truyện ngắn của Tạ Duy Anh.
Tạ Duy bảo, rất ít độc giả biết rằng, tiểu thuyết “Lão Khổ” được nhà văn bắt đầu viết từ năm 1984, khi ông mới 25 tuổi.
“Không ít người lầm tưởng rằng, tiểu thuyết ‘Lão Khổ’ được phát triển lên từ truyện ngắn ‘Bước qua lời nguyền.’ Thực tế hoàn toàn ngược lại: ‘Bước qua lời nguyền’ là một trong ba chương đầu tiên của ‘Lão Khổ’ bị bỏ dở suốt 5 năm vì nhiều lý do và được tôi dựa vào đó để ‘phát triển’ thành truyện ngắn như bạn đọc đã thấy,” nhà văn tâm sự.
Tiểu thuyết “Lão Khổ” và tuyển tập “Bước qua lời nguyền và những truyện khác” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng lần lượt vào tháng 9/2014 và tháng 11/2014./.
Nhà văn Tạ Duy Anh tên khai sinh là Tạ Viết Đãng, sinh năm 1959. Quê ông ở làng Đồng Trưa (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).Ông từng là cán bộ kỹ thuật tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, giảng viên Trường viết văn Nguyễn Du. Hiện nay, nhà văn Tạ Duy Anh là biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.