Gạt bỏ khúc mắc, Trung Quốc-Anh hướng đến hợp tác "cùng thắng"

"Bảo bối" cho thành công của chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là những thỏa thuận hợp tác đầu tư giá trị lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc mang đến cho Xứ sở Sương mù.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: Reuters)

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II từ ngày 20-23/10 không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mà còn cho thấy hai quốc gia từng tồn tại nhiều khúc mắc có thể bắt tay hợp tác để "cùng thắng."

Trong chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Anh trong vòng 10 năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu với nghi lễ trang trọng nhất từ Hoàng gia và chính phủ Anh. Hai nước cũng nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu” trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, có thể nói "bảo bối" cho thành công của chuyến thăm này chính là những thỏa thuận hợp tác đầu tư giá trị lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc mang đến cho nước Anh.

Sau chiến thắng ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng David Cameron bước vào nhiệm kỳ mới với những mục tiêu đầy tham vọng là xóa bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề để tiến tới một ngân sách thặng dư vào cuối nhiệm kỳ, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng và phát triển các thành phố miền Bắc theo dự án "Sức mạnh miền Bắc."

Để thực hiện được những mục tiêu tham vọng này, Anh cần vốn, và các nhà đầu tư Trung Quốc với dự trữ ngoại tệ khổng lồ rõ ràng đã đến đúng lúc. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký các thỏa thuận đầu tư trị giá tới 40 tỷ bảng (62 tỷ USD) thuộc nhiều lĩnh vực từ năng lượng, giao thông, bất động sản cho tới công nghệ sáng tạo và giải trí.

Đáng chú ý nhất trong số này là thỏa thuận cho phép Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) góp 1/3 cổ phần vào dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới ở Hinkley Point, miền Tây Nam nước Anh, hiện do Tập đoàn điện lực Pháp EDF làm chủ đầu tư. Đề án hạt nhân được coi là lớn nhất châu Âu này đã bị trì hoãn nhiều năm, một phần là do kẹt tiền. Tuy nhiên, với sự tham gia của Trung Quốc, nhà máy có thể sẽ được khởi công ngay trong nửa tháng nữa và sau khi đi vào hoạt động từ năm 2025 sẽ cung cấp 7% tổng lượng điện tiêu thụ của Vương quốc Anh.

Trong tương lai xa hơn, CGN còn đồng hành cùng EDF trong hai dự án xây dựng nhà máy khác ở Anh, trong đó có một dự án sử dụng công nghệ lò phản ứng "Made in China." Với Trung Quốc, đề án Hinkley Point rõ ràng là cánh cửa giúp họ thâm nhập thị trường điện hạt nhân quốc tế.

Theo Chính phủ Anh, các thỏa thuận đầu tư vừa ký kết có thể giúp tạo thêm 3.900 việc làm trên toàn nước Anh. Đổi lại, London cũng dành cho Bắc Kinh những ưu đãi hậu hĩnh. Thủ tướng Cameron tuyên bố kể từ năm 2016, khách Trung Quốc xin visa du lịch Anh sẽ được cấp visa 2 năm thay vì 6 tháng như thông thường với mức phí xin visa không thay đổi. Chính sách này mang lại lợi ích cho cả hai bên bởi theo tính toán, với mỗi du khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 2.688 bảng cho mỗi lần đến thăm, việc kéo dài visa du lịch sẽ giúp họ tăng mức chi tiêu tối đa lên hơn nữa và điều này góp phần thúc đẩy kinh tế Anh.

Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho biết đã đồng ý một thỏa thuận gia hạn cơ chế hoán đổi tiền tệ giữa đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thêm 3 năm, nâng giá trị hoán đổi lên 350 tỷ nhân dân tệ (36 tỷ bảng). Sở giao dịch kỳ hạn Chicago (CME) lần đầu tiên sẽ cho phép giao dịch các hợp đồng giao ngay bằng đồng nhân dân tệ tại London.

Về mặt chiến lược, Anh sẽ là “cầu nối” giữa Trung Quốc với châu Âu và việc thắt chặt quan hệ với London sẽ giúp Bắc Kinh xích lại gần hơn với châu lục này. Anh là thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) nên mối quan hệ Trung-Anh và quan hệ Trung Quốc-châu Âu cũng sẽ tác động lẫn nhau. Vì thế, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được coi là hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc nhằm tạo cơ sở vững chắc cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Với những kết quả tích cực, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở ra "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Anh. Như lời Thủ tướng Cameron, đó là kỷ nguyên của các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, những liên kết thương mại chặt chẽ hơn, giao lưu nhân dân gần gũi hơn và các cuộc đối thoại có ý nghĩa hơn về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục