Trong phiên giao dịch ngày 2/4, giá dầu tại thị trường châu Á leo lên gần mức cao nhất trong 5 tháng, nhờ số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc đã “xoa dịu” mối quan ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, việc Mỹ xem xét khả năng tăng cường thêm các lệnh trừng phạt đối với Iran và nguồn cung dầu thô tại Venezuela tiếp tục gián đoạn cũng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen.”
Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tăng 14 xu Mỹ (0,2%), lên 61,73 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm ngưỡng 62 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 15 xu Mỹ (0,2%), lên 69,16 USD/thùng. Đầu phiên, giá dầu Brent có lúc “vọt” lên 69,50 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
[Giá dầu châu Á mạnh lên trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4]
Các số liệu kinh tế khả quan từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã góp phần hậu thuẫn cho giá dầu trong phiên này.
Lĩnh vực chế tạo của TRung Quốc bất ngờ trở lại quỹ đạo tăng trưởng lần đầu tiên trong bốn tháng vào tháng 3/2019, đồng thời cũng là mức tăng mạnh nhất trong tám tháng qua.
Tại Mỹ, hoạt động chế tạo cũng diễn biến khá tốt trong tháng Ba vừa qua. Thêm vào đó, tâm lý lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực đối với các thị trường.
Các nhà đàm phán hàng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều phát đi những tín hiệu tích cực về tiến triển trong các cuộc đàm phán diễn ra tuần vừa qua ở Bắc Kinh, trước khi các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong tuần này.
Kết quả này đã góp phần củng cố lòng tin của giới đầu tư vào triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang xem xét áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran, còn tại Venezuela, cảng xuất khẩu dầu thô Jose của nước này cũng đang phải tạm ngừng hoạt động do thiếu điện trầm trọng.
Điều này khiến nguồn cung dầu toàn cầu càng trở nên eo hẹp, qua đó đẩy giá dầu đi lên./.