Chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ tiếp tục xu thế hiện tại trong hai năm tới trong bối cảnh giá dầu giảm ảnh hưởng tới ngân sách chính phủ của các quốc gia.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phân tích dữ liệu công nghiệp toàn cầu IHS (Mỹ) công bố ngày 18/12, với việc giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2015 giảm xuống dưới mốc 60 USD/thùng, mất 50% so với thời điểm giữa tháng Sáu, ngân sách quốc phòng của các quốc gia tại Trung Đông và Bắc Phi nhiều khả năng sẽ trở về mức bình thường sau khi tăng mạnh gần 30% trong thời điểm từ 2011-2014.
Các quốc gia này do đó sẽ hạn chế hơn chi tiêu cho quốc phòng. Trong khi đó, ngược lại, giá dầu giảm được cho là sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ ở châu Á - Thái Bình Dương này nhờ đó sẽ có nhiều tiền hơn cho chi tiêu quân sự.
Báo cáo dự đoán chi tiêu quốc phòng sẽ tiếp tục ổn định và không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ tình hình khủng hoảng tài chính, mặc dù các diễn biến chính trị toàn cầu vẫn có thể gây ra một số tác động bổ sung.
Cụ thể, trong năm 2014, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự nổi lên của lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã cho thấy mức độ mà các diễn biến địa chính trị có thể tác động đến chi tiêu quân sự.
IHS cũng dự báo vào năm 2019, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ lần đầu tiên mất vị thế là thực thể đóng góp nhiều nhất vào chi phí quốc phòng toàn cầu. Theo thống kê năm 2010, NATO chiếm hơn 30% chi tiêu quốc phòng toàn cầu.
Trong năm nay, chi tiêu quốc phòng toàn cầu hàng năm tăng khoảng 0,85% lên 1.597 tỷ USD. Đây là lần tăng đầu tiên trong bốn năm trở lại đây, phần lớn do tác động từ việc Mỹ hạ bớt cường độ cắt giảm chi tiêu trong khi Nga tăng chi tiêu quốc phòng thêm 17,8%./.