Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do bất ổn địa chính trị gia tăng

Khép lại phiên giao dịch 12/10, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,02 USD, tương đương 1,4%, lên 72,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,17 USD, tương đương 1,7%, lên 68,37 USD/thùng.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 9/12 do căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Trung Đông và Trung Quốc đưa ra động thái đầu tiên hướng tới lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng kể từ năm 2010.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,02 USD, tương đương 1,4%, lên 72,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,17 USD, tương đương 1,7%, lên 68,37 USD/thùng.

Ông Jorge Leon, Trưởng bộ phận phân tích địa chính trị của Rystad Energy, nhận định rằng các sự kiện ở Syria cuối tuần qua có thể tác động đến thị trường dầu thô và làm tăng rủi ro địa chính trị đối với giá dầu trong những tuần và tháng tới, giữa bối cảnh bất ổn gia tăng hơn nữa ở khu vực Trung Đông.

Ông Leon cho biết mặc dù Syria không phải là nước sản xuất dầu lớn, nhưng nước này có ảnh hưởng địa chính trị do vị trí địa lý và mối quan hệ với Nga và Iran.

Thêm vào đó, cùng với các căng thẳng khác ở khu vực, sự thay đổi chế độ có khả năng lan rộng sang các vùng lãnh thổ lân cận. Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy đã có dấu hiệu ban đầu về sự gián đoạn trên thị trường dầu mỏ, khi một tàu chở dầu Iran sang Syria đã quay đầu ở Biển Đỏ.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích dẫn bản tóm tắt cuộc họp của các quan chức hàng đầu, đưa tin nước này sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" lần đầu tiên trong 14 năm, tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy tiêu dùng.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nhận định thị trường sẽ chứng kiến sự bùng nổ giá hàng hóa nếu Trung Quốc thực sự thực hiện những cam kết về chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế.

Sự suy yếu nhu cầu của Trung Quốc là một yếu tố đứng sau quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ trong tuần trước.

Ngoài ra, một yếu tố nữa bất lợi cho giá dầu là việc Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, đã giảm giá dầu cho các khách hàng châu Á trong tháng 1/2025 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Thị trường lo ngại động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu.Các nhà giao dịch vẫn đang tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này.

Số liệu này có thể củng cố quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong cuộc họp vào tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....