Giá khách sạn hạng sang ở Tokyo tăng nhanh hơn ở New York, London

Tại Palace Hotel Tokyo, gần Cung điện Hoàng gia, giá phòng khách sạn trung bình hàng ngày từ tháng Một đến tháng Bảy lên tới 87.999 yen (khoảng 600 USD) - tăng 40% so với mức trung bình cả năm 2019.
Giá khách sạn hạng sang ở Tokyo tăng nhanh hơn ở New York, London ảnh 1Palace Hotel Tokyo. (Nguồn: travel daily media)

Theo báo Nikkei Asia, giá khách sạn ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang tăng nhanh hơn ở New York (Mỹ) và London (Anh), do du lịch tăng nhanh khi du khách nước ngoài muốn tận dụng đồng yen yếu.

Giá phòng trung bình hàng ngày tại các khách sạn hạng sang hiện cao hơn khoảng 30% so với trước đại dịch COVID-19.

Tại Palace Hotel Tokyo, gần Cung điện Hoàng gia, giá phòng khách sạn trung bình hàng ngày từ tháng Một đến tháng Bảy lên tới 87.999 yen (khoảng 600 USD) - tăng 40% so với mức trung bình cả năm 2019 là 62.047 yen.

Trước đó, vào tháng Ba và Tư, khi nhu cầu đạt đỉnh vào thời điểm hoa anh đào nở, mức giá khách sạn trung bình hàng ngày ở Palace Hotel Tokyo lần đầu tiên vượt 100.000 yen.

Khách sạn Imperial Tokyo, nơi giá phòng thông thường đã tăng khoảng 30% trong tháng Sáu, có mức giá trung bình hàng ngày gần 60.000 yen trong quý 2/2023, sao hơn so với mức 36.045 yen trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019.

Ngoài nhu cầu nội địa ngày càng tăng và các chính sách ủng hộ du lịch của chính phủ Nhật Bản, khách du lịch nước ngoài, những người không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá cao hơn do đồng yen suy yếu, cũng đang "háo hức" quay trở lại Xứ sở Phù Tang.

Chủ tịch khách sạn Imperial Hideya Sadayasu cho biết: “Xét đến việc đồng yen yếu hơn, vẫn còn cơ hội để tăng giá phòng hơn nữa."

Theo Công ty Nghiên cứu Khách sạn STR của Mỹ, giá phòng trung bình hàng ngày của các khách sạn cao cấp ở Tokyo là 46.133 yen trong khoảng thời gian từ tháng 1-6/2023, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này vượt xa mức tăng ở các thành phố phát triển du lịch như New York và London tính theo đồng nội tệ của mỗi nước - lần lượt là 16% lên 355 USD và 30% lên 289 bảng Anh (364 USD). Phần lớn sự tăng giá khách sạn ở Tokyo cho đến nay được thúc đẩy bởi khách du lịch Mỹ và châu Âu.

[Nhật Bản: Giá xăng tăng lên mốc cao nhất trong 15 năm]

Chuỗi khách sạn nội địa Nhật Bản từ lâu được đánh giá là rẻ hơn so với các đối thủ nước ngoài. Theo so sánh của tờ Nikkei (Nhật Bản) dựa trên giá đồng yen, hiện nay giá một một căn phòng có giường cỡ King tại Khách sạn The Ritz-Carlton Tokyo khoảng 155.000 yen, gần tương đương mức 145.910 yen tại khách sạn The Ritz-Carlton ở Công viên Trung tâm New York.

Trong khi đó, Khách sạn Hilton tính giá phòng khách sạn 73.000 yen tại địa điểm hàng đầu ở Tokyo, so với 52.076 yen tại New York Hilton Midtown. Công ty cho biết: “Giá tại các khách sạn của chúng tôi ở Tokyo dao động theo nhu cầu địa phương và không liên quan đến giá tại các khách sạn Hilton ở nước ngoài."

Giá khách sạn hạng sang ở Tokyo tăng nhanh hơn ở New York, London ảnh 2(Nguồn: Palace Hotel Tokyo)

Để tăng mức chi tiêu trung bình cho mỗi khách hàng, các chuỗi khách sạn Nhật Bản đang nỗ lực thu hút những vị khách giàu có. Palace Hotel Tokyo đã bổ sung thêm nhiều dãy phòng trong thời kỳ đại dịch. Nhà điều hành này cũng đang xem xét việc xây dựng một khách sạn sang trọng tương tự trên địa điểm Palace Hotel Hakone ở quận Kanagawa, đã đóng cửa vào năm 2018.

Khách sạn Imperial Tokyo có kế hoạch xây dựng lại tòa nhà chính vào những năm 2030 và mở rộng quy mô phòng để tăng giá. Khách sạn Tokyu đã mở một khách sạn ở quận Shinjuku của Tokyo vào tháng Năm dưới một thương hiệu mới, với giá phòng hơn 3 triệu yen mỗi đêm.

Hiện Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng số tiền chi tiêu tại Nhật Bản của khách du lịch nước ngoài lên 15.000 tỷ yen, từ mức 4.810 tỷ yen vào năm 2019.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, thu hút những cá nhân giàu có đến với Nhật Bản là điều cần thiết để đạt được mục tiêu này, đồng thời tránh tình trạng quá tải du lịch.

Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết những khách du lịch chi từ 1 triệu yen trở lên trong thời gian lưu trú, chiếm 1% lượng khách du lịch nội địa vào năm 2019, nhưng lại chiếm tới 11,5% tổng chi tiêu toàn ngành.

Ông Takuto Yasuda, Nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu NLI, phân tích giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các khách sạn là một thách thức lớn. Ông nói: “Một chu kỳ tốt đẹp trong đó đơn giá tăng lên, phúc lợi của nhân viên được cải thiện và có thể tuyển dụng được thêm nhiều nhân viên là cần thiết”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục