Đại dịch COVID-19 đang buộc các quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Do vậy, nguồn cung tại các nước xuất khẩu gạo có dấu hiệu thắt chặt trong khi các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao.
“Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong ngành gạo có hàng tồn kho giá thấp được hưởng lợi,” nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra trong Báo cáo ngành Nông nghiệp: Giá lương thực toàn cầu tăng tác động đến các nhà sản xuất.
Giá lương thực đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2014
Theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng Ba và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nguyên nhân do nguồn cung trên thị trường bị gián đoạn, bên cạnh đó tỷ lệ dự trữ nông sản thấp cùng đồng USD suy yếu khiến giá lương thực tăng cao.
FAO cũng dự báo xu hướng giá lương thực có thể tiếp tục tăng do mùa vụ năm 2021 có thể bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi. Thêm vào đó, sự phục hồi nhanh hơn tại Trung Quốc kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.
Trên thị trường chứng khoán trong nước, bà Hà Thu Hiền, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng nhóm các công ty xuất khẩu gạo, sản xuất đường và phân bón sẽ được hưởng lợi.
Ví dụ như Công ty Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) đã có các đơn hàng cố định trong nước và quốc tế vào tháng 2, 6 và 9 hàng năm. Do đó, việc giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận trong mảng sản xuất, kinh doanh gạo. Thêm vào đó, LTG cũng cho biết năm 2021 sẽ tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang EU với mặt hàng gạo thơm Jasmine 85 để được hưởng ưu đãi thuế 0% trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.
Với ngành đường, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường niên vụ 2020-2021 sẽ chuyển từ tình trạng “cung vượt cầu” trước đó sang “cung không đủ cầu” với mức thiếu hụt lên tới khoảng 3,5 triệu tấn. ISO dự báo giá đường thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm.
Trên thị trường, bà Hiền cho rằng Công ty Đường Quảng Ngãi (mã QNS) có thể tận dụng xu hướng tăng giá đường và mở rộng biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh, do công ty này có quy mô lớn thứ hai về vùng nguyên liệu mía để sản xuất đường.
“Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế phá giá đối với đường Thái Lan cũng sẽ làm giúp giảm áp lực cạnh tranh đối với QNS cộng thêm giá bán đường trong nước có xu hướng tăng. Tuy nhiên, mảng kinh doanh sữa đậu nành của QNS lại bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đang tăng cao trong thời gian gần đây, từ đó sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của mảng sữa đậu nành do chi phí nguyên liệu tăng không thể được chuyển hoàn toàn vào giá bán,” bà Hiền lưu ý.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu của VNDIRECT chỉ ra thêm ngành sản xuất phân bón cũng được hưởng lợi gián tiếp do nông dân tăng sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng. Thêm vào đó, nhóm phân tích kỳ vọng tác động tiêu cực của giá dầu thô tăng và tác động tích cực của nhu cầu phân bón tăng sẽ bù đắp lẫn nhau, điều này có thể mang lại những lợi thế nhất định cho Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã: DPM).
Nhóm sản xuất dầu ăn, sữa... bị ảnh hưởng
Trái ngược với khu vực trên, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh sữa bột, ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do nguyên liệu đầu vào hầu hết là nhập khẩu. Bởi, các nhà sản xuất sẽ gặp phải những thách thức về chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất thịt.
Theo bà Hiền, việc giá dầu ăn trên thị trường quốc tế tăng mạnh sẽ khiến giá vốn hàng bán của Công ty Tập đoàn Kido (mã: KDC) tăng, từ đó thu hẹp biên lợi nhuận gộp của mảng sản xuất dầu ăn. Với Công ty Dầu thực vật Tường An (mã TAC) và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (mã VOC), bà Hiền cho rằng các công ty này có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý giá nguyên vật liệu và có bộ phận thương thảo hợp đồng tốt đồng thời lợi thế về mô lớn (chiếm 30% thị phần ngành dầu trong nước), nhờ đó sẽ giảm được tác động của giá dầu ăn nguyên liệu tăng lên tình hình kinh doanh của Tập đoàn.
“Cụ thể, TAC đã tăng hàng tồn kho lên 901 tỷ đồng và KDC hàng tồn kho tăng lên mức 1.210 tỷ tại quý 4/2020,” bà Hiền dẫn chứng.
Về mảng sản xuất sữa, báo cáo của VNDIRECT cho rằng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã: VNM) khá nhạy cảm với biến động giá sữa bột. Do đó, nhóm phân tích dự báo biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ bị ảnh hưởng khi giá sữa bột toàn cầu tăng.
Với ngành thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng mạnh với giá ngô tăng 45% và đậu tương tăng 50% so với cùng kỳ, mà nguyên nhân đến từ nhu cầu thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc tăng đột biến do quy mô đàn lợn của nước này phục hồi sau dịch. Theo bà Hiền, giá đầu vào của ngành sẽ tiếp tục giữ ở mức cao do nhu cầu sản xuất ở các nước sẽ phục hồi từ năm 2021.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, như Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) và Công ty Cổ phần Masan MEATLife (mã MML) sẽ bị ảnh hưởng bởi những đợt tăng giá này do giá nguyên liệu đầu vào tăng không thể chuyển hết thành giá bán, vì còn phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài khác.
“DBC và MML sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn được dự báo sẽ giảm khoảng 19% so với cùng kỳ so với mức trước dịch khi quy mô đàn lợn phục hồi,” bà Hiền chỉ ra./.
Giá lương thực toàn cầu tăng 10 tháng liên tiếp: