Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu xuống dưới 100.000 tỷ USD

Số liệu cho thấy giá trị vốn hóa thị trường ở mức 99.210 tỷ USD tính đến ngày 26/9, giảm 7% so với mức đỉnh gần đây nhất được ghi nhận vào ngày 31/7 và là mức thấp nhất kể từ ngày 1/6.
Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu xuống dưới 100.000 tỷ USD ảnh 1Giao dịch viên theo dõi biểu đồ chỉ số chứng khoán tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu giảm xuống dưới 100.000 tỷ USD lần đầu tiên trong gần 4 tháng, khi Mỹ tăng lãi suất và triển vọng kinh tế Trung Quốc không chắc chắn, khiến cổ phiếu công nghệ và hàng xa xỉ lao dốc.

Số liệu của QUICK-FactSet cho thấy giá trị vốn hóa thị trường ở mức 99.210 tỷ USD tính đến ngày 26/9, giảm 7% so với mức đỉnh gần đây nhất được ghi nhận vào ngày 31/7 và là mức thấp nhất kể từ ngày 1/6.

Chỉ số MSCI ACWI về vốn chủ sở hữu toàn cầu hàng đầu của doanh nghiệp giảm 1% tính theo USD trong phiên 26/9.

Trong số các công ty có giá trị từ 100 tỷ USD trở lên, các thương hiệu hàng xa xỉ trải qua một số lần giảm mạnh nhất từ ngày 31/7 đến ngày 26/9. LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton giảm mạnh nhất, với mức giảm 20,4%; Christian Dior và Hermes International theo sau với các mức giảm tương ứng 20% và 18,7%.

[Tập đoàn công nghệ Amazon ra khỏi câu lạc bộ nghìn tỷ USD]

Giá cổ phiếu của Công ty Cung cấp Thiết bị Sản xuất Chip của Hà Lan ASML Holding giảm 20,1% kể từ cuối tháng 7 đến ngày 26/9, một phần do các báo cáo cho thấy Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đề nghị các nhà cung cấp hoãn giao thiết bị.

Sự không chắc chắn của thị trường Trung Quốc chủ chốt là nguyên nhân chính, với tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với thị trường bất động sản đình trệ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong tháng này đã hạ 0,3 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2023, xuống 5,1% và hạ 0,5 điểm phần trăm đối với năm 2024, xuống 4,6%.

OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro năm nay 0,3 điểm phần trăm, xuống 0,6%. Việc hạ dự báo với khu vực này cũng như Trung Quốc là trở ngại đối với các thương hiệu hàng xa xỉ vốn phụ thuộc vào việc người tiêu dùng mở hầu bao.

Việc lãi suất tăng trên toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, cũng gây sức ép lên giá cổ phiếu.

Nhà chiến lược thị trường tại Invesco Asset Management, Tomo Kinoshita, cho rằng việc lãi suất tăng làm tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục