Trong phiên giao dịch ngày 8/5, thị trường vàng châu Á diễn biến khá mờ nhạt, giữa bối cảnh đồng USD neo ổn định ở quanh mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, nhờ đà tăng trưởng tương đối mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,1%, xuống 1.313,20 USD/ounce vào lúc 13 giờ 35 phút giờ Việt Nam, sau khi đã giảm nhẹ trong phiên trước đó.
Giá vàng giao tháng 6/2018 không biến động so với phiên trước đó, đứng ở mức 1.314,10 USD/ounce.
Chỉ số USD đang áp sát mức cao nhất bốn tháng, với sự hậu thuẫn từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và triển vọng lạc quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
[Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất năm 2018, giá vàng giảm ]
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ giá dầu tăng mạnh hơn và những bất ổn liên quan tới lập trường của Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran, song vàng vẫn luôn nhạy cảm với xu hướng dịch chuyển của đồng USD.
Đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến sức hấp dẫn của các tài sản được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có vàng, giảm đáng kể.
Hiện thị trường đang chờ đợi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trên trang Twitter cá nhân, ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thông báo quyết định của mình về việc liệu có rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không vào lúc 14 giờ ngày 8/5 theo giờ địa phương, tức 1 giờ sáng 9/5 theo giờ Việt Nam.
Trước đó, Tổng thống D.Trump đã đặt ra thời hạn chót vào ngày 12/5, theo đó nếu các nước châu Âu cũng ký thỏa thuận là Anh, Pháp và Đức không bổ sung những điều khoản để khắc phục cái mà ông gọi những thiếu sót thì ông sẽ rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong tuần này cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Cũng trong phiên chiều ngày 8/5, giá bạc tăng 0,2%, lên 16,48 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 0,2%, lên 909,65 USD/ounce. Trong khi đó, giá palađi lại hạ 0,3%, xuống 969 USD/ounce.
Minh Trang