Giấc mơ đến trường của trẻ em tị nạn vùng chiến sự Syria

Tuy tạm tránh được chiến sự với bom đạn và chết chóc hàng ngày, các em nhỏ chưa hẳn thích nghi hoàn toàn với cuộc sống mới, nhưng luôn khao khát được tới trường học để theo đuổi con chữ.
Niềm vui tới lớp của các học sinh tị nạn Syria ở trại Hirjila. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Chiếm phần lớn trong số hơn 800 người tị nạn mới được sơ tán từ vùng chiến sự Idlib ở vùng Tây Bắc Syria đến trại tị nạn Hirjila là các em nhỏ trong độ tuổi đến trường.

Tuy tạm tránh được chiến sự với bom đạn và chết chóc hàng ngày, nhưng cuộc sống của những người dân ở trại tị nạn vẫn còn nhiều khó khăn bộn bề, các em nhỏ chưa hẳn thích nghi hoàn toàn với cuộc sống mới, nhưng luôn khao khát được tới trường học để theo đuổi con chữ.

[Việt Nam cùng các nước thay đổi tích cực cho trẻ em vùng xung đột]

Theo lời những người dân địa phương, hầu hết các gia đình tị nạn không có việc làm và phải sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Ngay cả ngôi trường phổ thông liên cấp tiểu học-trung học trong khu tị nạn cũng được xây dựng từ sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Hầu hết các giáo viên giảng dạy tại trường học trong khu tị nạn Hirjila là các tình nguyện viên đến từ thủ đô Damacus. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Cơ ngơi trường học không có gì đáng kể, các phòng học được xây dựng bằng các tấm tôn theo hình hộp chữ nhật giống như thùng xe conteiner. Tất cả được lắp ráp với nhau thành một dãy nối liền hình chữ U.

Bàn ghế, sách vở và đồ dùng học tập cho các em học sinh được chính quyền địa phương và các tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ.

Chính quyền Syria cam kết từng bước tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các em học sinh học tập tại khu tị nạn, đồng thời đầu tư xây dựng thêm sân chơi thể thao cho các em học sinh vui chơi ngoài giờ.

Trẻ em tị nạn học tập và vui đùa trong sân trường với sự bảo vệ của các lực lượng vũ trang Syria. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Vượt qua những khó khăn về vật chất, những đứa trẻ tị nạn như Mustapha, Migeul Po hay Wead Fatama mà chúng tôi có dịp trò chuyện, vẫn chia sẻ niềm vui lớn khi được đến trường, tới lớp học văn hóa.

Mustapha quê ở tỉnh Idlib, đang học lớp 8 chia sẻ với chúng tôi mong muốn học giỏi tiếng Tây Ban Nha để có ngày được đến đất nước Cuba ở Nam Mỹ xa xôi.

Weed Fatima chăm chỉ học tập để sau này trở thành giáo viên dạy học cho trẻ em tị nạn Syria. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Cô bé Weed Fatima (học sinh lớp 7) thì mơ ước sau này trở thành giáo viên để dạy học cho những đứa trẻ có hoàn cảnh như em.

Chia tay trại tị nạn Hirjila sau chuyến thăm ngắn ngủi, chúng tôi nhớ lại lời của một đồng nghiệp Nga trong đoàn chia sẻ cảm nhận rằng “khi nhìn thấy gương mặt rạng ngời của những đứa trẻ, bạn sẽ thấy tương lai của đất nước ở đó.”

Hy vọng rằng cuộc xung đột 9 năm qua ở Syria sẽ sớm kết thúc, mang lại hòa bình và cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ em nơi đây./.

Những món quà thiết thực từ các tổ chức nhân đạo góp phần chắp cánh giấc mơ tới trường của trẻ em tị nạn Syria. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Mustapha (bên trái) và bạn học cùng lớp ước mơ sau này được đặt chân đến Nam Mỹ xa xôi. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Giờ học sôi nổi tại một lớp học tiểu học trong trường dành cho trẻ em tị nạn Syria ở Hirjila. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Các em học sinh tiểu học tự tin giao tiếp tiếng Tây Ban Nha với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Syria và Jordan Migeul Porto Parga. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Quang cảnh lớp học tiểu học trong khu tị nạn Hirjila. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Trẻ em tị nạn Syria vui chơi thể thao trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục