Hiệu suất công việc là một khái niệm thiên về phần chủ quan nhiều hơn. Có thể bạn là người thích thức dậy lúc 5 giờ sáng, duyệt hết email công việc, sửa soạn nhà cửa và lên kế hoạch những công việc cần làm trong ngày; hoặc bạn là người thích thức dậy lúc 8 giờ sáng, tập gym, đọc email nhưng không trả lời, ăn một bữa sáng thật ngon trước khi lên công ty và bắt đầu làm việc.
Sau đây là những việc làm/thói quen nhiều người nghĩ sẽ làm giảm hiệu suất công việc nhưng thực tế không phải vậy.
1. Dậy muộn
Tất nhiên, bạn hoàn toàn có quyền tự hào khi có thể thức dậy lúc 5 giờ sáng, tập gym hay ngồi thiền, ăn sáng và chuẩn bị cho một ngày mới. Tuy nhiên đối với một số người, nó có thể là một màn “tra tấn” mặc dù họ đã thử rất nhiều lần.
Chris Bailey, tác giả của cuốn sách ''The Productivity Project'' đã dành hẳn một năm để tính toán hiệu suất làm việc khi thức dậy sớm.
Bailey đã dậy hằng ngày lúc 5 giờ 30 và ngủ lúc 21 giờ 30. Tuy nhiên anh đã thấy hiệu suất công việc của mình giảm so với trước, phần lớn là vì anh là một “cú đêm” - từ dùng để chỉ những người hay thức khuya dậy muộn, thường có hiệu suất làm việc cao nhất vào ban đêm.
Như vậy, chúng ta nên theo dõi đồng hồ sinh học của mình để xác định bản thân thuộc loại “cú đêm” hay là những “chú chim ưa dậy sớm” nhằm tạo ra một thời gian biểu hợp lý nhất cho riêng mình.
2. Không “dọn dẹp” email
Ai cũng có cách xử lý các email riêng cho bản thân, và khả năng cao bạn là một trong số những người ít khi đoái hoài những email không quan trọng và đang có hàng trăm, hàng nghìn email chưa đọc trong hộp thư của mình. Có nhiều người sẽ nghĩ không đọc email là một thói quen lười biếng nhưng nó thực sự không tệ đến thế.
Theo tác giả Laura Vanderkam, hiện đã ra nhiều đầu sách về quản lý thời gian, cho biết rằng việc sắp xếp hộp thư điện tử không phải lúc nào cũng đạt được hiệu suất công việc cao nhất.
Bà Vanderkam khuyên rằng mọi người nên xem hộp thư điện tử là một danh sách những công việc cần làm, với những mức độ ưu tiên như không quan trọng, bình thường và cực kỳ quan trọng, trong đó những việc quan trọng nên được thực hiện trước. Điều này sẽ rèn luyện thói quen chọn lựa, giúp dân công sở có khả năng phân loại công việc nào cần được ưu tiên một cách nhanh chóng.
3. Đi trễ về sớm
Giá sư đại học Harvard Robin Ely, cho biết thời gian làm việc của một người đa phần không thể hiện chất lượng công việc của người đó. Thay vào đó, việc ở lại công ty trễ hơn để làm việc thường chỉ thể hiện bạn là người tận tâm cho công việc ở mặt ngoài mà thôi.
[Triệu phú tự thân lộ bí quyết thành công, hạnh phúc, giàu có ở tuổi 30]
Bà Ely nói chúng ta nên tập trung vào chất lượng của công việc hơn là dành bao nhiêu thời gian vào công việc đó. Một nhân viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà hay ra về sớm dù sao cũng tốt hơn so với một người ở lại làm trễ hơn nhưng lại kém hiệu quả.
4. Để bàn làm việc bừa bộn
Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy chúng ta thường sẽ có hiệu suất làm việc cao hơn trong một không gian “bừa bộn." Lý do là vì con người thường luôn tìm kiếm sự trật tự trong cuộc sống. Khi đối mặt với sự “hỗn loạn," chúng ta sẽ có nhiều động lực để tạo ra ý thức trừu tượng về sự trật tự bằng cách theo đuổi các mục tiêu rõ ràng.
5. Không hoàn thành tất cả các việc trong “To-do list”
Theo khảo sát của trang web iDoneThis, trung bình khoảng 41 việc trong bảng danh sách công việc cần làm (to-do list) sẽ không được thực hiện. Tuy nhiên nhà tâm lý học Art Markman của đầu báo Fast Company cho biết hành động ghi chép danh sách công việc cần làm cũng giúp ích được rất nhiều dẫu bạn không hoàn thành hết. Vì chính hành động ấy sẽ khiến chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn cách thức sắp xếp và thực hiện từng công việc cần làm.
6. Cảm thấy căng thẳng
Stress được cho là một biểu hiện “tiêu cực” và người ta thường làm mọi cách để hạn chế nó. Tuy vậy bác sỹ tâm lý Kelly McGonigal lại có ý kiến khác khi cho rằng stress về mặt nào đó khá có lợi cho chúng ta. Nó sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của vấn đề mà bạn đang đối mặt, thúc đẩy bản thân tìm kiếm giải pháp chứ không buông bỏ. Sự căng thẳng ấy đồng thời tập cho bạn khả năng sẵn sàng giải quyết mọi việc thật chỉn chu.
7. Trì hoãn công việc
Tất nhiên trì hoãn đa phần sẽ làm giảm hiệu suất công việc, ví dụ như thay vì làm việc bạn lại lướt mạng xã hội chẳng hạn, nhưng một số trường hợp nó lại giúp ích rất nhiều.
Ít ai biết rằng Steve Jobs là một người hay trì hoãn công việc, tuy nhiên ông cũng là một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới. Lý do là vì khoảng thời gian Steve Jobs trì hoãn công việc cũng là lúc ông để các ý tưởng khác “bay bổng” vào trong đầu của mình nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất.
Nó đi ngược lại với cách làm việc đi thẳng vào vấn đề thường thấy, hay còn được gọi là “trì hoãn công việc có tổ chức," khi mà chúng ta tạm gác công việc này để thực hiện việc khác quan trọng hơn./.
Bài: HO TAN PHAN
Ảnh: TL