Ngày 12/9, tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo "Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền" nhằm đánh giá thực trạng dịch vụ, công nghệ truyền hình trả tiền tại Việt Nam và tìm kiếm các giải pháp gia tăng doanh thu đối với dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 100 đại biểu trong cả nước; trong đó có đại diện 2 hãng truyền hình nước ngoài là HBO và Disney.
Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, đến nay, Việt Nam có 72 cơ quan báo chí hoạt động Phát thanh-Truyền hình, 12 đại lý cung cấp kênh nước ngoài, 3 cơ quan báo chí biên tập kênh nước ngoài với số giờ chương trình tự sản xuất mới trung bình 612 giờ/279 kênh trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ PayTV của 36 doanh nghiệp được cấp phép, cùng hàng trăm giờ chương trình liên kết sản xuất về nội dung giải trí.
Mặc dù có đến 80% người Việt Nam xem nội dung truyền hình do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên tỷ lệ bình quân khán giả xem truyền hình và tiếp cận truyền hình có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, chỉ ở mức 4-5%/năm, trong khi đó thuê bao thu truyền hình OTT (Over the Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) lại tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 50%/năm.
[Doanh thu của báo chí và truyền hình trả tiền đạt hơn 23.800 tỷ đồng]
Với xu hướng đó, dự báo doanh thu dịch vụ truyền hình OTT tăng trưởng 50% sau mỗi năm, trong khi doanh thu đối với loại hình truyền hình trả tiền truyền thống chỉ tăng trưởng ở mức 6-7%/năm.
Với tốc độ đó, dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống sẽ dần bão hòa trong tương lai, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT sẽ phát triển mạnh và dần chiếm ưu thế lớn.
Việc chuyển dịch thuê bao sang dịch vụ OTT được coi là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia có Internet tốc độ cao với mức giá phải chăng.
Theo Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, xếp thứ 12 trên thế giới và xếp thứ 6 trong khu vực với 6 giờ 42 phút sử dụng internet mỗi ngày, cùng xu hướng xem truyền hình miễn phí chiếm tỷ lệ cao.
Với những cơ hội và thách thức cho cả truyền hình trả tiền truyền thống và OTT, doanh nghiệp cần cung cấp các nội dung hấp dẫn, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Do đó, các đơn vị trong ngành cần quan tâm đến việc hợp tác dùng chung hạ tầng truyền dẫn, quản lý chất lượng tốt hơn để giảm giá thành dịch vụ.
Đặc biệt là chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, internet phát triển mạnh như hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình OTT đã chia sẻ kinh nghiệm, thực trạng và những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Đại diện Công ty FPT Telecom chia sẻ nội dung dịch vụ truyền hình OTT TV và các giải pháp đa dạng hóa nội dung trên dịch vụ hướng đến người xem.
Theo đại diện một số doanh nghiệp trong ngành, tâm lý sử dụng nội dung truyền hình ở Việt Nam khá khác biệt. Có những bộ phim bom tấn công chiếu thành công tại các rạp, nhưng lại khá khiêm tốn trên dịch vụ truyền hình.
Điều đó cho thấy áp lực hướng đến phục vụ người xem rất khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền.
Chia sẻ vấn đề nêu trên tại hội thảo, đại diện HBO khu vực châu Á cho biết, HBO cũng xuất phát từ đơn vị sản xuất nhỏ.
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu người xem, HBO đã xây dựng hệ thống dịch vụ truyền hình chất lượng cao cùng thời lượng đủ lớn để phục vụ tốt thị hiếu người xem.
Dịch vụ giải trí truyền hình HBO GO và nhóm kênh quốc tế, cùng kho phim tự sản xuất hơn 3.000 giờ đã ra đời cùng các tính năng trải nghiệm tốt hơn, thư viện đa dạng và đầy đủ hơn… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người xem.
Bên cạnh đó, để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình trong nước phải sáng tạo hơn về mặt nội dung, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ.
Một số đài như K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng Internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng các đơn giá truyền hình mang tính chính thống, hành lang pháp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình, tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị cung cấp nội dung truyền hình nước ngoài vào Việt Nam… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm nội dung.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp trong cả nước, nhất là đóng góp ý kiến cho công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, đóng góp vào ngân sách, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.
Đặc biệt là góp phần tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề cạnh tranh, giảm giá thành, xung đột lợi ích là nhiệm vụ của chính các doanh nghiệp.
Các sức ép cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền là xu thế và các doanh nghiệp cần có các chính sách để đi cùng nhau trong xu hướng phát triển toàn cầu.
Thực tế, sự dịch chuyển của người dùng khi xem các nội dung phim ảnh, giải trí, thể thao trên internet thay vì ngồi trước màn hình tivi đang được coi là mối đe dọa đối với ngành truyền hình trả tiền của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, truyền thông, cạnh tranh, vi phạm bản quyền, trốn thuế…
Khi Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý, sử dụng tài nguyên internet, có hiệu lực từ ngày 15/9/2019, thì các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết và trật tự trong lĩnh vực sẽ được thiết lập, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với ngành truyền hình trả tiền, đồng thời cũng có những chế tài cứng rắn xử lý vi phạm bản quyền và các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên./.