Giải pháp tháo gỡ tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên

Mới đây, Thomas Cynkin - cựu Đại biện Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva - có bài viết cho rằng thế giới đang ở trong "tâm bão" của mối quan hệ Mỹ-Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin, mới đây, Thomas Cynkin - cựu Đại biện Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva - có bài viết cho rằng thế giới đang ở trong "tâm bão" của mối quan hệ Mỹ-Triều.

Các bên liên quan vẫn tiếp tục đánh giá kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội và tất cả các bên có vẻ đang trong một trạng thái tâm lý băn khoăn, lo âu.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 11/4 vừa qua dường như diễn ra không có nhiều đột phá.

Ông Trump nói với báo giới: “Tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt hiện nay là phù hợp,” đồng thời không loại trừ ý tưởng giảm bớt sự thiếu hụt lương thực ở Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã chấp nhận “vị thế cửa dưới” ở Hà Nội. Triều Tiên đã đề nghị một thỏa thuận một chiều, thậm tệ - tìm cách đưa "quân bài" Yongbyon ra để yêu cầu Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, Bình Nhưỡng đã giữ khoảng cách với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun, ra vẻ là nạn nhân của sự hiểu lầm mà họ có thể chịu đựng để nhận lấy một thỏa thuận tốt hơn từ Tổng thống Trump. Tại Hà Nội, họ đã chứng tỏ thiếu các chuyên gia kỹ thuật hoặc các ý tưởng mới mẻ.

Thật hữu ích cho ông Kim Jong-un khi được nghe từ chính ông Trump từ chối thực hiện một thỏa thuận tồi.

Giờ đây, người ta hy vọng rằng Triều Tiên có thể được thuyết phục làm việc nghiêm túc hơn với ông Biegun để ráp lại với nhau một thỏa thuận thực tế hơn.

[Lý do Mỹ cần sớm xem xét lại cách tiếp cận đàm phán với Triều Tiên]

Khắc hẳn với các đồng nghiệp Triều Tiên, các quan chức Hàn Quốc đã gặp Đặc phái viên Mỹ Biegun nhiều lần và do đó có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận giữa Đặc phái viên Biegun với Đại sứ Kim Hyok-chol hay các quan chức khác của Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều có cơ hội tốt nhất để thành công nếu hai bên nhất trí về các mục tiêu cụ thể và một lộ trình rõ ràng để tiến tới đạt được chúng.

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Mỹ đã nỗ lực chứng tỏ thiện chí và duy trì một bầu không khí tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận này.

Ngoài những tuyên bố mang tính hòa giải của Trump, Mỹ và Hàn Quốc đã hủy các cuộc tập trận quân sự Foal Eagle (Đại bàng Non) và Key Resolve (Giải pháp Then chốt), đồng thời thay thế bằng một cuộc tập trận mới, có quy mô nhỏ hơn được gọi là Dong Maeng (Đồng minh) từ ngày 4-12/3 vừa qua.

Washington và Seoul đã nói rõ rằng động thái này là nhằm tạo ra một bầu không khí tích cực cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump cũng đã cuống quýt bác bỏ một số biện pháp cấm vận mới của Bộ Tài chính Mỹ. 

Ngược lại, Bình Nhưỡng đã thể hiện những dấu hiệu đắn đo, thận trọng với Washington và Seoul khi nước này tỏ ra không hài lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và cách tiếp cận của Triều Tiên có thể nhanh chóng đe dọa cả tiến trình phi hạt nhân hóa và mối quan hệ Bắc-Nam.

Triều Tiên đang khôi phục các cơ sở tại một bãi phóng tên lửa tầm xa, Tongchang-ri, vốn được tháo gỡ hồi năm ngoái như một biện pháp xây dựng lòng tin.

Trước mắt, trên thực tế vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang trong tình trạng đóng băng, vì từ lâu theo đề xuất của Trung Quốc, Triều Tiên không thử hạt nhân hay tên lửa, trong khi Mỹ và Hàn Quốc không tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Chúng ta không nên cho phép sự thất vọng trước những thách thức đối phó với Triều Tiên khiến chúng ta đánh giá điều này là thỏa đáng hoặc trôi dạt tới một thái độ “im lặng chiến lược” vốn thất bại thảm hại dưới thời chính quyền Obama.

Trong bất kỳ trường hợp nào, tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được. Nó cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển, sản xuất và triển khai các nguyên liệu có thể tách rời, đầu đạn hạt nhân và tên lửa.

Giải pháp tháo gỡ tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một buổi phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Nó không thể giải quyết được kho vũ khí sinh học và hóa học của Triều Tiên hoặc ngăn chặn nước này xuất khẩu hạt nhân và công nghệ tên lửa. Hơn nữa, nó phớt lờ thực tế rằng Triều Tiên lâu nay thường gây ra những hành động khiêu khích mỗi khi nước này cảm thấy bị bỏ mặc - và Bình Nhưỡng cũng đang đánh tín hiệu rằng một sự khiêu khích như vậy có thể sắp xảy ra.

Theo Thomas Cynkin, Mỹ vẫn nên tiếp tục tìm kiếm các biện pháp can dự với Triều Tiên, không thể để Triều Tiên đi đến kết luận rằng nước này có toàn quyền phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cho nó cái cớ để hành đồng khiêu khích nhằm gây sự chú ý.

Ngoài ra, Mỹ cần cân nhắc thực hiện các biện pháp hợp lý để giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đàm phán mà sẽ giúp hợp pháp hóa các lệnh trừng phạt thêm nữa hoặc các biện pháp ép buộc khác mà chúng ta thấy là cần thiết.

Về điều này, phải thừa nhận rằng “gây áp lực tối đa” là một công cụ và là phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ, dù bản thân nó chưa đủ để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Mỹ cũng nên làm việc với Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc để giúp dàn xếp ổn thỏa cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều trong tương lai.

Trong các cuộc thảo luận, Washington nên nhấn mạnh với Triều Tiên rằng hành động, chứ không phải lời nói, mới là quan trọng và đề nghị thiết lập một “chương trình thí điểm” cho việc giải giáp vũ khí của Triều Tiên như một biện pháp xây dựng lòng tin để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID).

Điều này có thể liên quan đến việc lựa chọn một vài cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm cả Yongbyon, đề nghị Triều Tiên tháo gỡ chúng và để các thanh sát viên của Mỹ và nước thứ ba giám sát hoạt động này.

Nếu Triều Tiên chần chừ, những mục đích của nước này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta nên xem xét thận trọng việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với than đá.

Hơn nữa, việc tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rất quan trọng. Mỹ cũng nên tiếp tục tái bảo đảm với Seoul và Tokyo rằng chiếc ô hạt nhân của Mỹ vẫn rất đáng tin cậy, thậm chí trong bối cảnh Triều Tiên nỗ lực phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn tới các mục tiêu trên đất Mỹ.

Việc tái đảm bảo này nên được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán chiến lược vẫn đang tiếp diễn và quan trọng hơn, là cam kết không thể lay chuyển của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện quân sự lớn ở hai quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.